Mổ cấp cứu cho sản phụ bị cường giáp nguy hiểm

Trao đổi với phóng viên Sức khỏe Đời Sống, bác sĩ Đặng Thị Dung (Khoa Phụ Sản, BVĐK Phương Đông), người đầu tiên khám thai và tiếp nhận bệnh nhân cho biết: Mẹ bầu tới khám thai vào sáng 17.11 vừa qua, thai 38 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ nhưng mẹ lại bị cường giáp nặng, mạch tới 122 lần/phút, nhịp tim nhanh. Để phòng tránh các nguy cơ khó lường, bác sĩ đã chỉ định nhập viện điều trị tại khoa Nội.

Mổ cấp cứu cho sản phụ bị cường giáp nguy hiểm - Ảnh 1.

Phụ nữ mang thai bị cường giáp có thể gặp những biến chứng nguy hiểm

Nói về cường giáp, đây là bệnh tự miễn gây ra bởi sự sản xuất các kháng thể kích thích tuyến giáp. Chỉ có khoảng 1 - 5% phụ nữ mang thai mắc bệnh này. Việc điều trị cường giáp vốn có sẵn phác đồ cụ thể nhưng vướng mắc lớn nhất chính là mẹ bầu đang ở tuần 38 (thai đã đủ tháng), dùng thuốc kháng giáp hay phẫu thuật đều làm tăng nguy cơ suy giáp ở thai nhi,... Chính vì thế, phương án cho người mẹ sinh luôn rồi mới tiếp tục điều trị được các bác sĩ khoa Nội ưu tiên hơn.

Ngay chiều cùng ngày, mẹ bầu được chuyển xuống khoa Phụ Sản. Kết quả kiểm tra lại vẫn cho thấy nhịp tim tăng nhanh, nếu để mẹ sinh thường sẽ có nguy cơ cao suy tim cấp, đột quỵ, lên cơn bão giáp (Tiroxin) gây ngừng tim. Một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa khẩn cấp, gồm: Khoa Phụ Sản, khoa Nội và khoa Gây mê hồi sức nhằm thống nhất phương án mổ lấy thai "phủ đầu" các nguy cơ, giải thích cho người nhà về tình hình thực tế sản phụ,...

Ca mổ lấy thai cho sản phụ cường giáp trạng diễn ra nhanh chóng ngay sau đó. Bác sĩ mổ chính là chuyên gia sản phụ khoa hơn 35 năm kinh nghiệm, ekip gây mê hồi sức cũng được huy động tối đa với 3 bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm. Do ảnh hưởng của bệnh lý cường giáp, nhịp tim sản phụ tăng nhanh nên bác sĩ quyết định gây mê (thay vì gây tê như bình thường). Các thao tác đều được diễn ra một cách khẩn trương nhất bởi sự nhanh chậm vài giây đều có thể làm tăng nguy cơ ngạt cho em bé và biến chứng nguy hiểm cho sản phụ.

Mổ cấp cứu cho sản phụ bị cường giáp nguy hiểm - Ảnh 2.

Toàn bộ ekip tập trung cao độ để ca mổ được thuận lợi nhất

Em bé khỏe mạnh chào đời nặng 3.2kg, sản phụ sau sinh tỉnh táo, tiếp tục được cả bác sĩ Sản khoa, bác sĩ Nội khoa theo dõi sát sao kết hợp điều trị. 

Để làm nên thành công cho ca mổ đẻ có tính chất phức tạp, sản phụ bệnh lý với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi như thế này phải kể tới sự nỗ lực hết sức và phối hợp ăn ý của cả 3 ekip; đặc biệt là những quyết định kịp thời của bác sĩ Vương Văn Hồ (Người chịu trách nhiệm chính trong ca mổ).

Mổ cấp cứu cho sản phụ bị cường giáp nguy hiểm - Ảnh 3.

Em bé khỏe mạnh chào đời nặng 3.2kg

Nhắc lại chuyện ca mổ cho sản phụ cường giáp nặng, bác sĩ Vương Văn Hồ vẫn còn nguyên cảm xúc vui mừng. Bác sĩ chia sẻ dù không đếm nổi bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần giúp đỡ được sản phụ qua cơn hiểm nghèo, sinh nở an toàn là bản thân thấy vô cùng hạnh phúc. Đồng thời, bác sĩ cũng lưu ý tới tất cả sản phụ, cần theo dõi thai định kỳ thật cẩn thận đều đặn, nhất là các sản phụ có bệnh nền như suy giáp, cường giáp, cao huyết áp, tim mạch và các bệnh nền khác. Khi được theo dõi sớm, bác sĩ mới có thể nắm rõ tình hình, hội chẩn chuyên khoa kịp thời tìm ra hướng điều trị tốt nhất, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Dấu hiệu sớm của bệnh cường giápDấu hiệu sớm của bệnh cường giáp

SKĐS - Cường giáp là hội chứng bệnh khá phổ biến, nhất là ở nữ giới. Nếu phát hiện sớm, điều trị sẽ nhanh khỏi và ít tái phát. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc nhận biết kịp thời dấu hiệu của bệnh này.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét