Canada dọa đáp trả thương mại kế hoạch ôtô điện của Biden

Trong thư gửi các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 10/12, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Canada Chrystia Freeland cho biết Canada quan ngại sâu sắc khoản tín dụng thuế xe điện được đề xuất trong dự luật Xây lại Tốt hơn (Build Back Better), cho rằng điều này vi phạm thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMA).

Phó thủ tướng Freeland nhận định khoản tín dụng thuế ôtô điện của Mỹ tương đương mức thuế 34% đối với sản phẩm được lắp ráp tại Canada, gây ra "mối đe dọa đáng kể với ngành công nghiệp ôtô ở Canada và là hành vi bãi bỏ USMCA".

Nếu Mỹ thông qua biện pháp trên, Freeland cho biết Canada có thể áp thuế trả đũa với ngành công nghiệp ôtô Mỹ, đình chỉ quyền tiếp cận của Mỹ với thị trường sữa nước này và đình chỉ các quy tắc bản quyền mới trong USMCA. Freeland cho biết danh sách sản phẩm của Mỹ có thể bị Canada áp thuế sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Canada Chrystia Freeland trong cuộc họp báo tại thủ đô Ottawa ngày 19/4. Ảnh: Reuters.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Canada Chrystia Freeland trong cuộc họp báo tại thủ đô Ottawa ngày 19/4. Ảnh: Reuters.

Đề xuất nằm trong gói ngân sách 1,7 nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang chờ quốc hội phê duyệt, khuyến khích nước này sản xuất ôtô điện bằng cách cung cấp khoản tín dụng lớn hơn cho sản phẩm của Liên đoàn Sản xuất Ôtô, đồng thời hướng đến dừng nhập khẩu ôtô điện trong 5 năm.

Mexico và Canada chỉ trích đề xuất trên đe dọa chuỗi cung ứng ôtô tích hợp ở Bắc Mỹ theo thỏa thuận USMCA ký tháng 7/2020. Các hãng không thuộc liên minh doanh nghiệp cũng không ủng hộ đề xuất của Biden, gọi đây là hành động hỗ trợ Liên đoàn Sản xuất Ôtô và có thể cản trở quá trình chuyển đổi sang ôtô điện.

Dự luật Xây lại Tốt hơn được Hạ viện Mỹ thông qua sau cuộc bỏ phiếu ngày 19/11 với kết quả 220 phiếu thuận, 213 phiếu chống và hai phiếu trắng. Dự luật được chuyển lên thượng viện Mỹ và chờ thông qua.

Dự luật cắt giảm đáng kể khoản chi so với kế hoạch 3,5 nghìn tỷ USD ban đầu. Nó hướng đến giảm chi phí dịch vụ chăm sóc trẻ em, phổ cập giáo dục mầm non, đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng xanh, mở rộng chương trình Medicare, Medicaid, cũng như tăng cường đối phó hoạt động né thuế của người giàu.

Kể từ khi lên nắm quyền, Biden thúc đẩy một số dự luật nghìn tỷ USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Hồi tháng 3, Mỹ thông qua "Kế hoạch giải cứu người Mỹ" trị giá 1.900 tỷ USD để hỗ trợ 1.400 USD/người cho 161 triệu người Mỹ. Đầu tháng 11, Biden cũng ký thông qua đạo luật Đầu tư Hạ tầng và Việc làm trị giá 1.200 tỷ USD để hiện thực hóa tham vọng thay đổi cơ sở hạ tầng Mỹ, tăng sức cạnh tranh với Trung Quốc.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét