Covid: Vietnam Airlines sau mùa 'giải cứu trục lợi' sẽ còn thua lỗ nữa?

Một máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Nội Bài được phun khử khuẩn trong mùa dịch hồi tháng 3/2020

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Nội Bài được phun khử khuẩn trong mùa dịch hồi tháng 3/2020

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam thừa nhận 'thị trường vẫn rất yếu' và hỗ trợ của chính phủ chỉ đủ bù lỗ cho năm 2020, trong khi có báo lên án các chuyến bay 'trục lợi' nhân danh 'giải cứu đồng bào'.

Quan chức Vietnam Airlines vừa thông báo tập đoàn này sẽ phải bán đi chừng 30 phi cơ cũ trong bối cảnh ngành hàng không phục hồi chậm sau gần hai năm dịch Covid.

Vietnam Airlines cho hay họ sẽ phải "thu hẹp đội bay", thanh lý máy bay, gồm có chín máy bay A321, sáu chiếc ATR72 và 12 chiếc (khác?) trong hai năm tới.

Thông tin này được đưa ra sáng 14/12/2021 trong Đại hội cổ đông bất thường của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), theo Tiền Phong.

Tại đây, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà đánh giá thị trường khách hàng không của công ty "vẫn rất yếu, hệ số sử dụng ghế thấp, giá giảm".

"Đường bay Hà Nội - TP HCM hiện tỷ lệ sử dụng ghế chỉ đạt 65% mỗi chuyến, các đường bay nội địa khác đạt khoảng 55%"

"Giá vé bình quân giảm 15% so với năm 2020 và giảm 35% so với trước dịch Covid, năm 2019..."

Khoản tiền 12 nghìn tỷ VND của chính phủ hỗ trợ chỉ bù đắp được thiệt hại của năm 2020, chưa bù được thiệt hại năm 2021, theo thông tin trên.

"Do đó, tổng công ty vẫn khó khăn về dòng tiền, tình trạng mất cân đối nợ."

Cùng thời gian, lần đầu một trang web ở Việt Nam chính thức nêu vấn đề giá vé quá cao cho "các chuyến bay giải cứu" đưa công dân về nước.

Đây là các chuyến bay Vietnam Airlines thực hiện, bên cạnh hãng khác như Bamboo Airlines (nhưng ít hơn nhiều).

Bài "Chấm dứt ngay chuyến bay hồi hương "trục lợi", sớm nối thông đường bay thường lệ quốc tế" trên trang VnEconomy được nhiều bạn đọc chia sẻ trên Facebook sau khi đăng hôm 14/12/2021.

Chụp lại video,

Chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị đứt gãy vì Covid

Trước đó, hiện tượng các hãng bay độc quyền chở khách về Việt Nam với giá "cắt cổ" đã được trang web của BBC News Tiếng Việt đăng tải trong các bài "Người Việt ở nước ngoài: 'Xuân này con không về' vì Covid?" "Covid: 'Vượt biên' về VN qua ngả Campuchia để không bị giá cắt cổ?" và "Vì sao có tiền nhưng Việt kiều vẫn chọn về VN qua ngả Campuchia?"

Sang ngày 07/12/2021, nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân có bài đăng trên trang của BBC, kể kinh nghiệm riêng của lần bay về và bay đi khỏi Việt Nam trong mùa dịch.

Ông gọi hiện tượng "giải cứu" cưỡng bức về giá cả này là cách cho ai đó "làm giàu" khi đồng bào đau khổ vì đại dịch.

Bài "VN nói 'giải cứu công dân' nhưng 'chặt chém' ai muốn bay về quê hương" thu hút nhiều bạn đọc trên trang web và mạng xã hội tiếng Việt.

Sau đó, có tin chính phủ Việt Nam họp để bàn và 'đề xuất' cho phục hồi các chuyến bay thương mại quốc tế bình thường, nhưng từ tháng 1/2022.

Bài của VnEconomy.vn trích lời TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia về du lịch và hàng không đã nhắc lại câu chuyện từ quan sát cá nhân.

Ông kêu gọi phục hồi các chuyến bay thương mại và chua xót nhận xét, tiếng kêu cứu của đồng bào muốn bay về quê hương "này có sức nặng hơn ngàn con số thống kê về thiệt hại đại dịch".

TS. Lương Hoài Nam nêu ra một số ví dụ:

"Bạn tôi vừa về từ Mỹ với giá 170 triệu, trước đó lên đến 240 triệu đồng. Trong khi thời điểm tháng 3-4/2020, chuyến bay Vietnam Airlines giải cứu từ châu Âu về chỉ mất 1.200 USD; từ Mỹ, Canada là 1.600 USD và sau đó đưa về cách ly tại các cơ sở quân đội".

So sánh chênh lệch giữa giá bay giải cứu của Vietnam Airlines, ông cho rằng có thể lờ mờ hiểu ra câu chuyện tiền "còn lại bao nhiêu và đi vào túi ai".

Chụp lại hình ảnh,

Ảnh minhh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam.

Máy bay 'trống rỗng' hại môi trường

Tuy thế, điều có thể khiến các cơ quan của chính phủ Việt Nam bị điều tra quốc tế là việc buộc các công ty hàng không nước ngoài bay vào Việt Nam mà không được chở khách (empty flights), một nhà báo chuyên về môi trường tại London cho BBC News Tiếng Việt biết.

Cho đến gần đây, một số chuyến bay quốc tế chỉ được phép chở khách từ Việt Nam ra thế giới, còn "đón về" với giá siêu cao là độc quyền của một số hãng được chính phủ cho phép.

Hiện tượng 'máy bay trống ghế' hay còn gọi là "phi cơ ma" (ghost planes) xảy ra với một số hãng hàng không Trung Đông bay vào Anh hồi 2015.

Dù họ phải làm vậy để giữ chỗ (landing slots) tại phi trường quốc tế Heathrow, nhưng bị các tổ chức bảo vệ môi trường đòi điều tra, thậm chí đe dọa khởi kiện.

Sang tháng 4/2020, tổ chức vì giao thông vận tải sạch (International Council on Clean Transportation) phê phán các hãng hàng không Mỹ chở ít khách vì dịch bệnh, và yêu cầu ngưng luôn việc bay xuyên Đại Tây Dương.

Lý do là các chuyến bay không chở hành khách hoặc chở vài ba khách vẫn thải vào không trung nhiều CO2, vi phạm các quy định về môi trường, và trái cam kết các chính phủ nêu ra về mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Xem thêm:

Đăng nhận xét

0 Nhận xét