Không phải lạm phát, đâu mới là rủi ro lớn nhất với kinh tế Việt Nam 2022?

Đây là cảnh báo của PGS. TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore khi chia sẻ với người viết về câu chuyện đâu là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Biến cố 'thiên nga đen và con voi đen' 

Dự báo mới nhất của EIU - cơ quan phân tích và dự báo có uy tín hàng đầu thế giới cho thấy Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 6-7% trong các năm từ 2022 đến 2026, trong khi con số dự báo này chỉ dao động xung quanh mức 3% cho Thái Lan.

Tuy nhiên, PGS.TS. Vũ Minh Khương cho rằng dự báo đáng khích lệ ở trên mới chỉ là tín hiệu tốt khởi đầu, nó đòi hỏi Việt Nam tiếp tục có những cố gắng cải cách liên tục gia tăng sức cạnh tranh và tăng trưởng đã có trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào đầu năm 2020.

Hơn thế nữa, cho dù Việt Nam có đạt được mức tăng trưởng khích lệ này, mức tăng trưởng GDP bình quân mà Việt Nam đạt được cho giai đoạn 2020 - 2026 sẽ chỉ ở mức 5,6%, thấp hơn nhiều mức tối thiểu 7%/năm để Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Do vậy, Việt Nam rất cần những cải cách mạnh mẽ chưa từng có và những động lực có sức đột phá lớn để mạnh hơn sau thời kỳ hậu COVID-19.

Về mối lo hay nỗi sợ trong năm 2022, PGS.TS Vũ Minh Khương chia sẻ về hai biến cố là con voi đen và thiên nga đen. Ông lý giải "thiên nga đen" như trường hợp đại dịch COVID-19 là biến cố hiếm khi xảy ra nhưng khi đã xảy ra thì hậu quả rất nặng nề và các lời giải cũ dù hay đến đâu cũng dường như vô hiệu.

Song ông tin rằng với những tín hiệu tích cực từ việc bao phủ vắc xin, thuốc trị cùng nỗ lực kiểm soát,... thì dịch bệnh COVID-19 có thể được kiểm soát hoàn toàn trong năm 2022.

Không phải lạm phát, đâu mới là rủi ro lớn nhất với kinh tế Việt Nam 2022? - Ảnh 1.

PGS. TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore. (Ảnh: K.T/ VOV).

Còn biến cố "con voi đen" - nghĩa là khủng hoảng kinh tế hay tham nhũng. Ông Khương nhìn nhận điều này ai cũng biết nhưng nó có thể trỗi dậy bất thình lình vì thiết kế gói giải cứu kém hoặc do quản trị lạc hậu.

Theo ông, gói giải cứu, kích thích nền kinh tế chúng ta có thể cân nhắc, chủ động để thiết kế tránh các rủi ro để xảy ra khủng hoảng kinh tế, còn chống tham nhũng cũng là nhiệm  vụ rất quan trọng.

Những ngày cuối năm 2021, dư luận xôn xao trước vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), kết quả điều tra cho thấy bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã thông đồng, cấu kết với lãnh đạo nhiều cơ sở y tế và đơn vị liên quan trên cả nước nhằm hợp thức hồ sơ chỉ định thầu. Mục đích để được cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và nhiều cơ sở y tế.

C03 làm rõ Việt Á đã bán sản phẩm đến 62 tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Cùng bị khởi tố với bị can Việt còn có Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hải Dương với cáo buộc thông thầu để thổi giá và nhận tiền lót tay 30 tỷ đồng. 

Mới nhất, ngày 31/12, Bộ Công an đã khởi tố thêm nhiều cán bộ thuộc Bộ Y tế, Bộ KHCN và Giám đốc CDC hai tỉnh Nghệ An, Bình Dương.

Vụ án tại Công ty Việt Á được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng và Đảng viên có liên quan để kịp thời xử lý nghiêm.

Không phải lạm phát, đâu mới là rủi ro lớn nhất với kinh tế Việt Nam 2022? - Ảnh 2.

Kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á. (Ảnh: Người lao động).

Để thiết kế gói hỗ trợ hiệu quả và tránh biến cố "con voi đen", PGS.TS. Vũ Minh Khương cho rằng bài toán "gói giải cứu" nên gắn vào cải cách cấu trúc và đầu tư vào công nghệ, nắm bắt xu thế phát triển của thời đại nhằm tăng năng lực kiến tạo giá trị theo ba hướng chính.

Hướng thứ nhất là tăng tính liên thông cộng hưởng thông qua phát triển hạ tầng và thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương. Việc đầu tư cho lưới điện để khai thác các nguồn điện tái tạo đã, đang, và sẽ lắp đặt nằm trong hướng này.

Hướng thứ hai là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và đầu tư vào năng lượng tái tạo để tăng hiệu quả và sức phát triển bền vững.

Hướng thứ ba là tăng sự minh bạch và khai thác dữ liệu để tăng hiệu lực của quyết sách và quyết định ở mọi cấp, từ Chính phủ đến doanh nghiệp.

Rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng

Trong khi đó, dẫn nghiên cứu từ Oxford Economics Global Risk Survey về đâu là rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn mà doanh nghiệp gặp phải, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết trong 3 rủi ro gồm: Các làn sóng COVID-19 mới, lạm phát cao khiến thị trường chao đảo và đứt gãy chuỗi cung ứng thì đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn là rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn. 

PGS.TS. Vũ Minh Khương: 'Điều tôi lo nhất là biến cố con voi đen' - Ảnh 2.

Đứt gãy chuỗi cung ứng là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp

Theo khảo sát của Oxford Economics Global Risk Survey, từ quý II và rõ rệt là từ quý III/2022 thì sự đứt gãy này sẽ phục hồi. "Thiếu hụt nguyên vật liệu, thiếu hụt lao động và giao thông là 3 nút thắt lớn nhất với không chỉ riêng với doanh nghiệp Việt Nam mà cả thế giới cũng gặp phải", ông Tự Anh đánh giá. 

Trong bối cảnh này, nhấn mạnh tới vai trò của chuyển đổi số, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng xu thế chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo tới đây sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. COVID-19 làm cho những lực cản chuyển đổi số được vượt qua và chuyển đổi số là điều bắt buộc phải làm nếu muốn tồn tại, phát triển chứ không còn là xu hướng như trước. Nếu doanh nghiệp tận dụng được điều này thì sẽ tăng trưởng, ngược lại sẽ tụt lại phía sau.

Ông Tự Anh tin rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt được từ 6 - 6,5%, thậm chí có thể đạt 6,5-7%. "Nếu dịch bệnh được kiểm soát sớm thì mức tăng trưởng kinh tế ở trên có thể nằm trong tầm tay của chúng ta", ông chia sẻ. 

Niềm tin về triển vọng phục hồi 

Để đối phó với các rủi ro ở trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng củng cố niềm tin là điều rất quan trọng. Thông điệp trong năm 2022 mà Bộ KH&ĐT muốn gửi gắm tới người dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam một niềm tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, thích ứng an toàn với dịch bệnh.

PGS.TS. Vũ Minh Khương: 'Điều tôi lo nhất là biến cố con voi đen' - Ảnh 3.

Thông điệp trong năm 2022 mà Bộ KH&ĐT muốn gửi gắm tới người dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam một niềm tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, thích ứng an toàn với dịch bệnh (Ảnh: Nikkei Asia)

Niềm tin có được dựa trên những kết quả khả quan trong năm 2021, đó là các nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn giữ ổn định, cân đối lớn về ngân sách được đảm bảo, hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, lao động cơ bản vẫn đạt kết quả khả quan. 

"Chống dịch đi kèm với việc thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế được thể hiện qua quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Đến hiện nay, các giải pháp thể hiện sự hợp lý, tác động tích cực tới nền kinh tế", ông Phương đánh giá. 

Đặc biệt là niềm tin của các thành phần kinh tế đã trở lại, trong đó số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt được con số khả quan. 

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205.100 lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021. 

Như vậy chỉ sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021 đã khởi sắc rõ nét.

Về phần Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Phương nhận định nhiệm vụ trong năm 2022 chắc chắn sẽ nặng nề hơn trong năm 2021, trong đó có việc đẩy mạnh đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Tất cả mọi việc đều phải làm quyết liệt hơn. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét