Kỷ lục giao dịch tại "họ" FLC: Ai đã mua vào hàng trăm triệu cổ phiếu?

710 mã cổ phiếu giảm giá

Thị trường giằng co, đi ngang gần như trong suốt phiên giao dịch 11/1. Tuy nhiên, đến cuối phiên, áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh và đẩy VN-Index đánh mất 11,4 điểm tương ứng 0,76% còn 1.492,31 điểm. Dù vậy, vùng hỗ trợ 1.490 điểm vẫn được giữ vững.

VN30-Index mất 14,96 điểm tương ứng 0,99% còn 1.499,74 điểm, một lần nữa mất ngưỡng 1.500 điểm.

HNX-Index giảm 1,28 điểm tương ứng 0,26% còn 481,61 điểm. Trong khi các chỉ số chính giảm thì UPCoM-Index vẫn giữ được trạng thái tăng 0,24 điểm tương ứng 0,21% lên 114,54 điểm.

Bức tranh thị trường chìm trong sắc đỏ với 710 mã giảm giá, có 22 mã giảm sàn, gấp đôi so với các mã tăng giá là 324 mã, có 55 mã tăng trần.

Kỷ lục giao dịch tại họ FLC: Ai đã mua vào hàng trăm triệu cổ phiếu? - 1

VN-Index giảm nhưng thanh khoản cũng giảm so với hôm qua (Ảnh chụp màn hình).

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì mức cao dù đã hạ nhiệt hơn so với phiên hôm qua. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt trên 1,25 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch đạt 35.944,28 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 138,11 triệu cổ phiếu tương ứng 3.874,06 tỷ đồng và trên sàn UPCoM là 94,81 triệu cổ phiếu tương ứng 2.063,14 tỷ đồng.

Thanh khoản tăng vọt tại cổ phiếu "họ" FLC 

Giao dịch tại nhóm cổ phiếu "họ" FLC khuấy động thị trường với khối lượng khớp lệnh gây choáng váng. FLC khớp 155 triệu đơn vị; ROS khớp 98,7 triệu đơn vị; AMD khớp 26,8 triệu cổ phiếu; KLF khớp gần 25 triệu cổ phiếu. Đây cũng là những mã cổ phiếu nằm trong top có thanh khoản cao nhất toàn thị trường hôm nay.

Khối lượng giao dịch cực "khủng" tại "họ" FLC cho thấy áp lực bán ra tại những mã này rất mạnh nhưng đồng thời cũng đặt vấn đề những nhà đầu tư nào đã ra tay bắt đáy?

Kỷ lục giao dịch tại họ FLC: Ai đã mua vào hàng trăm triệu cổ phiếu? - 2

Cổ phiếu "họ FLC" nằm trong top thanh khoản cao nhất của thị trường hôm nay (Ảnh chụp màn hình).

Đến cuối chiều, FLC vẫn giảm 5,9% còn 19.900 đồng/cổ phiếu nhưng ghi nhận đã "thoát sàn". Điều này cũng có nghĩa là những nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu có sẵn trong danh mục vẫn có thể "thoát sàn" thành công.

Những mã còn lại là ROS, AMD, HAI, ART, KLF đều giảm sàn và dư bán giá sàn còn rất lớn. ROS dư bán sàn 6 triệu cổ phiếu; AMD dư bán sàn hơn 1 triệu cổ phiếu; HAI dư bán sàn 2,4 triệu đơn vị; ART dư bán sàn hơn 1,4 triệu đơn vị và KLF dư bán sàn hơn 3,5 triệu cổ phiếu.

Nếu quan sát diễn biến trong phiên thì giao dịch tại các mã này tương đối gay cấn. Phần lớn thời gian các mã này đều giảm sàn, nhưng có thời điểm FLC đã tăng giá lên 21.700 đồng/cổ phiếu; ROS đạt trạng thái tăng lên 14.950 đồng/cổ phiếu; ART về được mức giá tham chiếu 16.800 đồng/cổ phiếu; AMD, HAI, KLF đều có "giá đỏ".

Thiệt hại lớn nhất là với những nhà đầu tư đã "đu đỉnh" các cổ phiếu này trong khi cổ phiếu vẫn chưa đủ thời gian T+ để về tới tài khoản.

Cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục bị bán mạnh: MSN giảm 5,3%; SSI giảm 2,9%; FPT giảm 2,7%; GVR giảm 2,4%; VRE giảm 2,3%; VHM giảm 2,1%; KDH giảm 2%. MSN, VHM, VIC, GVR là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index.

Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị điều chỉnh mạnh và tác động tiêu cực lên VN-Index thì cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số là BCM và DIG. Hai mã này tăng trần đã đóng góp lần lượt 1,34 điểm và 1,03 điểm cho chỉ số chính.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét