Việt Nam: 'Trục lợi chuyến bay giải cứu sẽ bị trừng trị'

Ảnh minhh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam.
Chụp lại hình ảnh,

Ảnh minh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam lên án hành vi trục lợi thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu.

Thông điệp được người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra vào ngày 20/1 trong cuộc họp báo đầu năm 2022.

Bà Lê Thị Thu Hằng phản hồi lại câu hỏi của phóng viên báo Dân Việt về thực trạng người Việt về nước theo các "chuyến bay giải cứu" phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn được truyền thông đưa tin và những đề xuất thanh tra điều tra có hay không sự trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.

"Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

"Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

"Trong quá trình triển khai đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu về nước, đăng tải công khai minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội.

"Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.

"Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Bài của báo Dân Việt mô tả "trong suốt gần hai năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các bộ ngành địa phương của Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không trong và ngoài nước thực hiện hơn 800 chuyến bay đưa 200 nghìn công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn".

Hiện chưa rõ toàn bộ 800 chuyến bay mà bài báo này nói tới là "chuyến bay giải cứu" hay không.

Nguồn hình ảnh, BBC

Chụp lại hình ảnh,

Bữa ăn trên máy bay của khách trả vé "combo" 55 triệu VND một chiều từ London về Vân Đồn.

Các "chuyến bay giải cứu" theo cách diễn giải của nhà chức trách Việt Nam bấy lâu nay được hiểu là dành cho hành khách có hoàn cảnh đặc biệt theo thứ tự ưu tiên như "Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập mà nước sở tại không có điều kiện hỗ trợ; Học sinh dưới 18 tuổi; Sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về nơi ở/ gia hạn lưu trú; Doanh nhân, trí thức, công dân xuất cảnh ngắn hạn bị "mắc kẹt" vì Covid-19, gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính; Người trên 60 tuổi mắc bệnh lý nền; Khách du lịch, thăm thân nhân, công tác, khám chữa bệnh, hết hạn visa và bị mắc kẹt".

Thông thường đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại chịu trách nhiệm trình dach sách này với Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm làm việc với các bộ ngành liên quan khác như Bộ Y Tế, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid 19,… để duyệt danh sách trước khi khách có thể mua vé.

Từ nhiều tháng qua truyền thông tại Việt Nam đã đưa tin ít về các "chuyến bay giải cứu" và gọi các chuyến đang khai thác là "các chuyến bay hồi hương", "thương mại", hay "combo" với nhu cầu người Việt sống tại nước ngoài về nước vẫn nhiều.

Các chuyến bay trọn gói (còn gọi là "combo") với các phí khách sạn, ăn uống xét nghiệm, chuyên chở khách ở trong nước lên tới hàng chục triệu mỗi vé và là vé một chiều.

Vào tháng 12/2021 Chính phủ Việt Nam nói mở lại "đường bay quốc tế" với một số thị trường (đa số tại châu Á) nhưng nhiều tuần sau đó không có kế hoạch cụ thể và hành khách có nhu cầu về nước vẫn phải tìm cách mua vé theo dạng "combo" với giá rất đắt.

Mặc dù các văn bản nói về việc người nhập cảnh có xét nghiệm âm tính chỉ cần ở nhà tự theo dõi 3 ngày nhưng đa số hành khách các chuyến bay theo dạng "combo" vẫn phải cách ly tại khách sạn trong ba ngày đầu.

Như BBC Tiếng Việt tìm hiểu, việc Campuchia quy định từ sau 15/11 đón khách du lịch đã tiêm đủ hai liều vaccine mà không phải cách ly 14 ngày mở ra cơ hội cho nhiều người muốn về nước nhưng không muốn trả "giá trên trời" bởi nếu cộng cả chi phí cách ly khách sạn khi vào Việt Nam bằng đường bộ và giá vé bay từ nước thứ ba tới Campuchia thì với nhiều người, vẫn hợp lý hơn giá vé của các chuyến bay "combo" chào bán.

Từ ngày 1/1/2022, các hãng hàng không Việt Nam bắt đầu bay quốc tế thường lệ nhưng vé máy bay vẫn gấp 2-3 lần trước dịch.

Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường hồi cuối tháng 11/2021 nói "việc tìm mua vé máy bay phù hợp để trở về quê nhà đón Tết là mối quan tâm của nhiều kiều bào".

Truyền thông Việt Nam đưa tin nhà chức trách đang làm việc với một số thị trường có nhiều nhu cầu khách bay về nước để tăng chuyến, đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu về ăn Tết tại quê nhà.

Trong khi một số đại sứ quán Việt Nam đưa thông tin về các chuyến bay trọn gói "combo" trên trang web của mình thì họ nói không chịu trách nhiệm về các chuyến bay này.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét