VN hối thúc thông quan nông sản, TQ 'ghi nhận' nhưng tiếp tục đóng cửa 'do Covid'

Hình minh họa lái xe Việt Nam mặc đồ bảo hộ và lấy giấy tờ kiểm tra dịch trước khi qua cửa khẩu Hữu Nghị vào ngày 27/2/2020

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN

Chụp lại hình ảnh,

Hình minh họa lái xe Việt Nam mặc đồ bảo hộ và lấy giấy tờ kiểm tra dịch trước khi qua cửa khẩu Hữu Nghị vào ngày 27/2/2020

Việt Nam đề nghị Trung Quốc nới lỏng các hạn chế ở biên giới, nhằm tạo điều kiện thông quan cho hàng ngàn xe tải đang mắc kẹt tại các chốt đường biên.

Trung Quốc tăng kiểm soát dọc biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, giữa lúc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trong những ngày qua.

Tuy nhiên, Hà Nội nói các biện pháp của Trung Quốc là 'phản ứng quá mức'.

Hồi tuần trước, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Đông Hưng giáp biên với Việt Nam, sau khi phát hiện ra có chỉ duy nhất một ca nhiễm Covid-19.

Các cửa khẩu biên giới giữa hai nước cũng bị ảnh hưởng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hải quan Bằng Tường (Trung Quốc) thông báo tạm ngưng nhập khẩu thanh long của Việt Nam trong vòng bốn tuần, từ 29/12 đến 26/1

Sản phẩm nông sản mới nhất bị mắc kẹt không sang được thị trường Trung Quốc là thanh long, với thông báo từ Hải quan Bằng Tường nói mặt hàng này bị tạm ngưng nhập trong vòng bốn tuần, từ 29/12 đến 26/1.

Trước đó, các loại hoa quả khác như chuối, mít, xoài, sầu riêng cũng đã không thể thông quan qua các cửa khẩu để sang Trung Quốc.

Hôm 27/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc điện đàm với Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Ngô Giang Hạo để trao đổi về tình trạng ách tắc hiện thời tại các cửa khẩu Việt - Trung.

Ngày 29/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi công thư tới bốn quan chức cấp trung ương và địa phương của Trung Quốc về cùng vấn đề, gồm Bộ trưởng Thương mại, Tổng cục trưởng Hải quan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam.

Chiều 31/12, Bộ Công Thương tiếp tục có liên hệ với Sở Công Thương Quảng Tây, "đề nghị khôi phục lại ngay việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đang tạm dừng, đồng thời tăng thời gian thông quan tại tất cả các cửa khẩu", báo Người Lao động đưa tin.

Phía Việt Nam liên tục liên hệ với Trung Quốc ở các cấp, thậm chí đề xuất một số giải pháp như đưa lao động Việt Nam đã tiêm vaccine đầy đủ sang bên kia biên giới để hỗ trợ công tác bốc vác, dỡ đồ..., tuy nhiên, phản ứng từ phía Trung Quốc dường như mới chỉ ở mức 'ghi nhận', hứa hẹn sẽ 'phối hợp khẩn trương tìm kiếm giải pháp sớm tháo gỡ vấn đề'.

Tuổi trẻ Online cũng trích lời ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 20/12, nói rằng:

"Trung Quốc đang thực hiện chính sách 'Zero COVID'. Mong các bạn thông cảm và ủng hộ chính sách của Trung Quốc," Tham tán Thương mại Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm được dẫn lời nói trong cuộc họp báo 20/12. "Chúng tôi có 1,4 tỉ dân, nếu sống chung với COVID-19 thì dễ vỡ trận."

Tuy nhiên, việc nông sản Việt Nam mắc kẹt không xuất sang được thị trường Trung Quốc không phải là tình trạng chỉ mới xuất hiện trong thời gian có đại dịch.

Những lời kêu cứu 'giải cứu nông sản' đã diễn ra hầu như hàng năm trong nhiều năm qua, với rất nhiều các loại sản phẩm khác nhau.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và là một thị trường lớn cho các sản phẩm hoa quả, rau củ của Việt Nam.

Xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước trong 11 tháng đầu năm 2021 tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, theo các số liệu được giới chức Việt Nam công bố.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét