Căng thẳng Ukraine: Nga có thể xâm lược bất cứ lúc nào

An armed Russian serviceman in Crimea

Nguồn hình ảnh, Reuters

Mỹ đã cảnh báo Nga đã sẵn sàng quân đội để xâm lược Ukraine "bất cứ lúc nào" và công dân Mỹ nên rời đi trong vòng 48 giờ tới.

Nhà Trắng cho biết một cuộc xâm lược có thể bắt đầu bằng một cuộc ném bom khiến việc rời đi trở nên khó khăn và gây nguy hiểm cho dân thường.

Moscow đã nhiều lần bác bỏ mọi kế hoạch xâm lược Ukraine dù đã điều hơn 100.000 quân đến gần biên giới.

Một loạt các quốc gia khác cũng đã kêu gọi công dân của họ rời khỏi Ukraine.

Các nước này bao gồm Anh, Canada, Hà Lan, Latvia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các nước phương Tây tung tin thất thiệt.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết quân đội Nga hiện "ở vị trí có thể tiến hành một hành động quân sự lớn" trong một thông báo cho thấy giới chức Mỹ rõ ràng đã tăng cường các cảnh báo khẩn.

Ông nói: "Chúng tôi rõ ràng không thể đoán trước được tương lai, chúng tôi không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra, nhưng rủi ro hiện tại đã đủ cao và mối đe dọa hiện tại đã bức thiết đủ để việc [ra đi] là khôn ngoan."

Ông Sullivan nói thêm rằng chính quyền không biết liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc xâm lược hay chưa, nhưng nói rằng Điện Kremlin đang tìm lý do để biện minh cho hành động quân sự, mà theo ông có thể bắt đầu bằng các cuộc không kích dữ dội.

Bình luận của ông được đưa ra khi các quan chức Mỹ cảnh báo về việc Nga sẽ tăng cường thêm quân tại biên giới Ukraine trong tuần qua và lên kế hoạch cho các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đen trong những ngày tới.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng việc Nga gia tăng lực lượng ở biên giới là "những dấu hiệu rất đáng lo ngại về sự leo thang của Nga".

Ông Blinken nói: "Chúng ta đang ở trong thời kỳ cận kề khi một cuộc xâm lược có thể bắt đầu bất cứ lúc nào, và rõ ràng là bao gồm cả trong thời gian diễn ra Thế vận hội [kết thúc vào ngày 20/2].

Tổng thống Biden đã nói rằng ông sẽ không gửi quân đội để giải cứu bất kỳ công dân nào bị mắc kẹt trong trường hợp Nga xâm lược.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ đã tổ chức một cuộc gọi video với các nhà lãnh đạo xuyên Đại Tây Dương, trong đó họ nhất trí phối hợp hành động ể gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho Nga nếu nước này xâm lược Ukraine.

Mỹ cũng cho biết đang triển khai thêm 3.000 quân từ Fort Bragg, Bắc Carolina, đến Ba Lan và dự kiến sẽ đến đó vào tuần tới. Quân đội Mỹ sẽ không chiến đấu ở Ukraine, nhưng sẽ đảm bảo khả năng phòng thủ của các đồng minh của Mỹ.

Cả ông Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ đối thoại với ông Putin vào thứ Bảy.

Mỹ đã và đang đưa ra lời cảnh báo trước các đồng minh châu Âu về khả năng Nga tấn công Ukraine. Nhưng đây là một sự gia tăng đáng chú ý về mức độ khẩn cấp. Người Mỹ đang lo lắng bởi Nga tiếp tục tăng cường quân đội, cách quân đội Nga được bố trí và việc bắt đầu các cuộc tập trận quân sự có thể coi là bước khởi đầu cho một cuộc xâm lược.

Các đánh giá tình báo mới nhất đã khiến Tổng thống Biden triệu tập các đồng minh thân cận vào thứ Sáu để nói với họ rằng ông tin Tổng thống Putin có thể sớm đưa ra "mệnh lệnh ra quân" cuối cùng, theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan.

Cố vấn quân sự hàng đầu của ông Biden, Tướng Mark Milley, đã thực hiện một số cuộc điện thoại bất thường - cho những người đồng cấp của ông ở Nga, Canada, Anh và châu Âu.

Chính quyền Mỹ đã bị một số người cáo buộc rằng họ đã góp phần vào sự leo thang bằng cách đưa ra các thông tin như vậy. Tuy nhiên, ông Sullivan cho biết, họ đã quyết định "minh bạch nhất có thể" với việc chia sẻ thông tin, chắc chắn đây là một phần của chiến lược răn đe đã được tính toán kỹ.

Moscow đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự lớn với nước láng giềng Belarus, và Ukraine cáo buộc Nga chặn đường ra biển của họ.

Điện Kremlin cho biết họ muốn thực thi "lằn ranh đỏ" để đảm bảo rằng nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ của họ không gia nhập NATO.

Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg cho biết khối này "đoàn kết và chuẩn bị cho bất kỳ kịch bản nào".

John Herbst, đại sứ Mỹ tại Ukraine từ năm 2003 đến năm 2006, nói rằng bất chấp những cảnh báo của chính phủ Mỹ, ông tin rằng một cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vẫn khó xảy ra.

Văn phòng đối ngoại của Anh cho biết tất cả công dân Anh "nên rời đi ngay bây giờ trong khi các phương tiện vận chuyển thương mại vẫn còn sẵn sàng".

Trong cảnh báo của mình, Latvia nói rằng đây là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh do Nga gây ra".

Căng thẳng hiện tại diễn ra 8 năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine. Kể từ đó, quân đội Ukraine đã bị mắc kẹt trong cuộc chiến với phiến quân do Nga hậu thuẫn ở các khu vực phía đông gần biên giới Nga.

Các cuộc tập trận hải quân của Nga đã diễn ra ở Crimea vào thứ Sáu, trong khi các cuộc tập trận quân sự kéo dài 10 ngày tiếp tục ở Belarus, phía bắc Ukraine.

Có những lo ngại rằng nếu Nga cố gắng xâm lược Ukraine, các cuộc tập trận sẽ đưa quân đội Nga đến gần thủ đô Kyiv của Ukraine, khiến cuộc tấn công vào thành phố này trở nên dễ dàng hơn. Nga cho biết quân đội của họ sẽ trở về căn cứ thường trực sau khi cuộc tập trận kết thúc.

Moscow cho biết họ không thể chấp nhận việc Ukraine - một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có quan hệ xã hội và văn hóa sâu sắc với Nga - một ngày nào đó có thể gia nhập liên minh phòng thủ phương Tây Nato và yêu cầu loại trừ điều này.

Nga đã ủng hộ một cuộc nổi dậy vũ trang đẫm máu ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine kể từ năm 2014. Khoảng 14.000 người - bao gồm nhiều thường dân - đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh kể từ đó.

Có một số ý kiến cho rằng sự tập trung vào cái gọi là các thỏa thuận Minsk - vốn tìm cách chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine - có thể được sử dụng làm cơ sở để xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ukraine, Nga, Pháp và Đức ủng hộ các hiệp định trong năm 2014-2015.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét