Gánh 'bão' trên đôi vai thanh xuân

Buổi tối hôm đó, trong nhóm Viber lãnh đạo bệnh viện, tôi nhận được tấm ảnh một thanh niên đang cạo tóc sạch sẽ để chuẩn bị cho chuyến đi vào tâm dịch Bắc Giang ngày hôm sau. Tôi gọi đó là "Nụ cười thanh xuân đi vào tuyến lửa".

Dù đã trở nên thân thuộc với rất nhiều người nhưng mỗi khi nhìn lại, tấm ảnh của BS Đặng Minh Hiệu vẫn luôn gợi lên trong tôi một niềm xúc động khó tả. Nụ cười là bông hoa của tâm hồn. Tuy nhiên, để bông hoa ấy có thể tiếp tục tỏa rạng trong suốt hành trình đi qua cơn bão COVD-19 tàn phá khủng khiếp vừa qua, phải có rất nhiều điều hơn nữa chứ không chỉ là một quyết tâm dấn thân, dẫu không có quyết tâm đó, những cánh hoa đã không thể hé mở giữa đời.

Gánh 'bão' trên đôi vai thanh xuân - ảnh 1 Các bác sĩ trẻ đều đã trưởng thành qua cơn bão dịch. Trong ảnh: Đặt ECMO cho bệnh nhân. Ảnh: TL

Tôi may mắn được sống và làm việc trong tâm dịch cùng với hơn ngàn y bác sĩ và các tình nguyện viên. Phần lớn trong số ấy đang độ thanh xuân và không ít em là sinh viên y khoa vừa mới tốt nghiệp, sinh viên điều dưỡng chưa kịp ra trường và những em vừa mới rời giảng đường các trường đại học, cao đẳng không phải chuyên ngành y. Những thanh xuân ấy tiến vào tâm dịch không chỉ từ TP này mà từ mọi miền Tổ quốc. Để đến được tuyến lửa trong những ngày đò giang cách trở, các em đã quăng ba lô lên một chuyến đi "bão tố" nhất của đời mình, trên các chuyến xe chở heo, chở rau củ quả và trên bất cứ xe nào có thể di chuyển vào TP.

Các em ra trận theo mệnh lệnh của trái tim. Nửa năm sống, làm việc, học tập và dấn thân ở bệnh viện dã chiến dù ở tầng nào cũng đều là những trải nghiệm quý báu bằng cả năm năm hoặc thậm chí 10 năm thu nhặt trong cuộc sống bình thường.

Chỉ mới chưa đầy 10 ngày trước đó, một bác sĩ tập sự gục mặt xuống bàn sau đêm trực, mắt ngân ngấn nước tâm sự với tôi: "Em buồn quá thầy ơi. Chắc em không đủ kiến thức và kỹ năng" thì nay đã đủ tự tin nở nụ cười: "Em làm được". Một nữ bác sĩ trẻ "không yên lòng sáng đi làm, chiều về yên ấm trong căn phòng tiện nghi" quyết từ miền Trung vào với chúng tôi, sau ba tháng đã đủ tự tin để quay về xung phong gánh vác một bệnh viện dã chiến của tỉnh nhà. Một sinh viên y khoa vừa mới tốt nghiệp đi vào tâm dịch từ những ngày đầu để rụt rè làm công việc chăm sóc của điều dưỡng đã xung phong ghi tên mình vào những chuyến xe giải cứu bệnh nhân nguy kịch để rồi không bao lâu, khi được nâng lên vai trò điều trị, em đã có thể tự tin làm những thủ thuật cấp cứu, điều chỉnh máy thở, đánh giá được những diễn tiến của bệnh nhân đang chạy ECMO. Tất cả họ đều đã trưởng thành qua cơn bão dịch.

Đại dịch đã lấy đi của chúng ta rất nhiều thứ quý báu nhưng đại dịch cũng làm hiển lộ những giá trị quý báu nhất mà không thể dễ gì nhận biết được. Đó là tình người, tình đồng đội, tình đồng bào. Đại dịch cũng đã làm cho tất cả chúng ta chín chắn hơn và đặc biệt thế hệ trẻ đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Dĩ nhiên những thanh xuân chỉ có thể trưởng thành khi họ dám gánh trên đôi vai mình sức nặng tàn phá của cơn bão dữ. Họ chỉ có thể trưởng thành khi can trường tiến vào tâm bão. Không ở đâu khác, sự trưởng thành lại có được một gia tốc dương lớn và bền bỉ như vậy.

PGS-TS LÊ MINH KHÔI, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19, Trưởng Phòng khoa học và đào tạo BV ĐH Y Dược TP.HCM

Đăng nhận xét

0 Nhận xét