Những người 'canh chừng sự sống' trên biển

Chiều 23/4/2020, ông Nguyễn Thanh Bình, 47 tuổi, ngồi ở bờ kè Bãi Sau quan sát hàng trăm người đang nô đùa trên bãi biển, nghe tiếng cầu cứu của những người câu cá. Ngay lập tức, ông hướng ống nhòm về phía đảo Hòn Bà, thấy hai du khách nước ngoài vẫy tay cầu sự giúp đỡ.

"Gấp gấp, hai người Tây lớn tuổi", người đàn ông thân hình lực điền, da cháy nắng vừa chạy vừa hối thúc đồng nghiệp. Hai người mang phao, cật lực chạy qua đoạn đường gần 400 m trên cát, lao xuống biển. Trong tư thế nằm ngửa, họ xuyên những con sóng cao hơn 1,5 m bơi ra phía hai người mắc kẹt cách bờ hơn 150 m.

Nữ du khách Nga khóc khi cám ơn ông Bình. Ảnh: Khắc Phạm

Nữ du khách Nga khóc khi cám ơn ông Bình. Ảnh: Khắc Phạm

Ông Georgy Valentinovich, 65 tuổi, quốc tịch Nga cùng người vợ 57 tuổi đến TP Vũng Tàu thăm người thân và du lịch. Hai người tản bộ ra Hòn Bà, một đảo đá nhỏ cách bờ hơn 220 m tham quan khi nước rút. Lúc trở vào trúng khi đường đá lởm chởm chìm sâu dưới mặt nước biển. Khi nước dâng tới ngực, họ cố bám vào một mỏm đá. Thủy triều đang dâng nhanh, dòng hải lưu lúc này chảy siết.

"Người vợ hoảng loạn, nói và khóc rất nhiều. Nhưng bất đồng ngôn ngữ, tôi chỉ có thể trấn an bằng cách đặt bàn tay lên ngực mình và cười thật tươi với họ", ông Bình nói. Hai nhân viên cứu hộ nhanh chóng đeo phao, hướng dẫn họ rời khỏi mỏm đá, rồi bơi dìu vào bờ. Cuộc giải cứu hôm đó diễn ra trong hơn 15 phút.

Hôm sau ông Georgy Valentinovich nhờ chủ khách sạn tìm những người đã cứu mình. Trong cuộc gặp ngắn ngủi trên kè biển, vợ chồng ông Georgy tặng ông Bình và đồng nghiệp cá khô, rượu và không ngớt cám ơn. Người vợ ôm chầm lấy người cứu mình, xúc động khóc.

Thập niên 90 thế kỷ trước, ông Bình theo gia đình đến Vũng Tàu làm thuê cho các chủ dù, ghế trên bãi biển. Ký ức của ông còn nguyên khi chứng kiến nhiều người đột ngột bị cuốn ra xa, chới với. Lớn lên ở miền Tây sông nước, bơi lội giỏi nhưng trước những con sóng lớn ông không dám liều mình. "Việc hữu ích nhất của tôi lúc đó kêu thật to để những người cứu hộ nghe thấy, phụ giúp họ đưa người vào bờ", ông Bình nói.

Rồi một ngày ông tập bơi vài trăm mét, tăng dần để rèn sức. Vài tháng sau, một người cứu hộ cựu trào trên bãi biển ngỏ ý "truyền nghề". Sau đó, mỗi ngày ông phải tập nhìn mặt biển nhiều để nhận diện vùng nước, bơi hàng cây số. Khi thuần thục, ông tiến vào vùng nước xoáy, tự thoát ra. Bài kiểm tra cuối cùng, ông tập cứu người bị nạn thoát khỏi ao dưới sự giám sát của người dạn dày kinh nghiệm.

Du khách tắm biển Vũng Tàu hôm 30/4/2021. Ảnh: Trường Hà

Du khách tắm biển Vũng Tàu hôm 30/4/2021. Ảnh: Trường Hà

Thống kê của Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, mỗi năm bãi biến đón hơn 4 triệu lượt người đến tắm, vui chơi. Vào những ngày lễ, có những lúc bãi biển chứa cả 100.000 người. "Nhiều người nghĩ cứu hộ bãi biển là việc làm đơn giản, chỉ cần ngồi và thổi còi, phát loa thông báo, song thực tế đây là công việc sinh tử", ông Trần Đình Tân, 49 tuổi, nhân viên cứu hộ đài số 1 ở biển Bãi Sau, cho biết.

Biển Bãi Sau thoải rộng nhưng hung dữ. Vào mùa gió chướng từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, dòng nước chảy mạnh, gió chướng từ ngoài khơi thổi vào tạo những cơn sóng lớn đánh tiên tục vào bờ tập hợp lại thành dòng đi ngược ra biển. Nơi có dòng chảy, ao xoáy là vùng nước lặng, hầu như không có sóng và sẽ cuốn trôi tất cả những gì rơi vào.

Trong gần 30 năm qua, số người gặp nạn được ông Tân cứu sống "không nhớ nổi". Hễ nghe tiếng la cứu, thấy người chới với ông lại lao ra biển. Đầu năm 2020, ông suýt bỏ mạng. Chiều hôm đó, ông không rời mắt khỏi nhóm 5 người trong một gia đình tiến xa bờ, lúc nước dâng. Lát sau, ông thổi còi, phát loa cảnh báo yêu cầu họ trở vào bờ, một người rơi vào ao xoáy. Lần lượt bốn người còn lại xông vào cứu, nhưng tất cả bị nước cuốn ra xa.

Lao ra biển và trong ít phút, ông Tân đã tiếp cận được nhóm bị nạn, rồi lần lượt kéo từng người thoát khỏi ao xoáy. Khi chuẩn bị đưa người vào bờ, một con sóng lớn bất ngờ ập tới, khiến tất cả bị cuốn trở lại ao.

Hai người trong số họ hoảng loạn, ôm chặt cổ, kéo chân khiến ông không thể cử động được. Nghĩ không thể chết chùm, ông Tân ráng hết sức thoát ra, rồi tiếp cận từng người, kéo lên khỏi mặt nước để họ thở. Ít phút sau, đồng nghiệp trên bãi biển tiếp ứng, cùng ông cứu sống tất cả.

Theo ông Tân, trên bãi biển Vũng Tàu, sống và chết diễn ra trong tích tắc, song nhiều người phớt lờ cảnh báo bơi vào ao xoáy, đu lên những cây cờ in hình đầu lâu. "Nơi cắm cờ là ao xoáy, khi bị phá vô tình tạo nên cái bẫy khiến những người đến sau gặp nạn", ông nói.

Đội cứu hộ bãi biển TP Vũng Tàu có 22 người làm việc ở bãi biển dài hơn 5 km. Phần lớn họ xuất thân là ngư dân hoặc làm thuê dù, ghế trên bãi biển. Mỗi năm trung bình đội cứu hơn 200 người, riêng năm 2019 cứu khoảng 300 người.

Ông Trần Đình Tân (trái) và đồng nghiệp trực cứu hộ trên biển Bãi Sau. Ảnh: Trường Hà

Ông Trần Đình Tân (trái) và đồng nghiệp trực cứu hộ trên biển Bãi Sau. Ảnh: Trường Hà

Công việc của những người cứu hộ vất vả, nguy hiểm, đòi hỏi cao về thể lực và gan dạ và khắc nghiệt của thời tiết. Những tháng mùa hè, ánh nắng mặt trời cùng nước mặn khiến da cháy rộp như da rắn. Mùa đông nước lạnh, gió lớn tê buốt.

"Phải đứng nhiều giờ, chăm chú vào biển và họ phải có tinh thần thép khi đưa ra các quyết định vì liên quan đến tính mạng con người", ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, nói.

Không có bằng cấp, họ chỉ được trả 3-4 triệu đồng mỗi tháng, chỉ đủ trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu. Hiện 70% trong số họ hiện phải ở phòng trọ. Nhiều người vì áp lực cuộc sống, chịu không nổi xin nghỉ đi phụ hồ, thu nhập gấp đôi.

Để giữ chân nhân viên, ông Tộ bảo lãnh cho họ vay ngân hàng vài chục triệu đồng mỗi người để trang trải cuộc sống, đóng học phí cho con. Bao nhiêu năm là "con nợ" của ngân hàng, song ông Tộ vẫn vui vẻ vì những việc đó giúp anh em gắn bó với biển, cứu giúp được nhiều người.

Lương thấp và công việc có tính chất đặc thù khiến nhiều năm nay trung tâm không thể tuyển thêm được nhân viên cứu hộ, trong khi lượng khách ngày càng tăng. Với ông Tộ, mong muốn lớn nhất là có khoản tiền bồi dưỡng hàng tháng để những người cứu hộ ổn định cuộc sống. Nhiều lần đề nghị, thành phố đồng ý và nhiều lần chỉ đạo, song vướng các quy định.

Những ngày Tết, ông Nguyễn Thanh Bình và những nhân viên cứu hộ vẫn ra biển, công việc bận rộn, vất vả hơn. Họ nói rằng nghề này đã là "nghiệp, duyên" và "không có gì vui sướng hơn khi cứu một người thoát khỏi tay thần chết, về an toàn với gia đình".

Trường Hà

Đăng nhận xét

0 Nhận xét