Người Ukraine biểu tình chống Nga ở Kherson vì 'không muốn sống như Nga'

Hàng trăm người dân Ukraine biểu tình ở Kherson phản đối Nga ngày 13 tháng 3

Nguồn hình ảnh, Shon Shon

Chụp lại hình ảnh,

Hàng trăm người dân Ukraine biểu tình ở Kherson phản đối Nga ngày 13 tháng 3

Hôm 13/3, hàng trăm người dân tại thành phố Kherson, thành phố cảng tối quan trọng ở vùng Hắc Hải, với khoảng 290.000 dân ở phía Nam Ukraine lại xuống đường biểu tình bất chấp xe tăng và binh lính có súng ống được điều động dọc con đường mà người biểu tình đi qua.

Một người Ukraine gốc Việt, anh Shon Shon (Sơn), 28 tuổi, là một trong số những người đã tham gia biểu tình. Anh có công việc kinh doanh tại Genichesk, một thành phố cảng nhỏ thuộc tỉnh Kherson nằm trên bờ biển Azov ở miền nam Ukraine, cách thành phố Kherson 220km. Đây là nơi giáp ranh với vùng Crimea đã bị Nga thôn tính năm 2014 và đây cũng là điểm đầu tiên giao tranh nổ ra khi quân đội Nga tiến hành cuộc chiến với Ukraine, anh Sơn cho biết.

Là người Ukraine thì đi biểu tình chứ

Nói tiếng Việt với ngữ điệu của người Việt thế hệ thứ hai sống ở nước ngoài, anh Sơn giải thích lý do tham gia biểu tình:

"Là người Ukraine (gốc Việt) thì phải đi biểu tình chứ, vì có ai ở đây muốn theo Nga đâu. Những người biểu tình hô các câu chửi Putin, đuổi lính Nga đi, gọi lính Nga là phát xít và Kherson là của Ukraine.

"Hôm nay Nga còn đưa diễn viên đến đây để định quay phim như là dân Kherson thích theo Nga. Nên người Ukraine biểu tình để họ không quay được, cuối cùng họ phải đưa hết diễn viên lên xe và đi ra chỗ khác quay."

Có thế thấy dòng người biểu tình mang cờ Ukraine, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, bất chấp những chiếc xe tăng với binh lính Nga mang súng ống dọc tuyến tuần hành, thậm chí kể cả khi có quân đội Nga hai lần bắn chỉ thiên nhưng những người biểu tình vẫn không dừng bước.

Nguồn hình ảnh, Shon Shon

Chụp lại hình ảnh,

Người biểu tình tuần hành qua những chiếc xe tăng và phương tiện cơ giới của Nga hiện đang lưu tại Kherson

Đây không phải lần đầu tiên người dân Kherson xuống đường phản đối kể từ khi Nga chiếm được thành phố này hôm 2/3, sáu ngày sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine bùng nổ. Bất chấp binh lính Nga đứng gác trên các phố, người dân Kherson vẫn đã liên tục biểu tình như cuộc tuần hành phản đối vào ngày 6/3 và 9/3 để bày tỏ thái độ trung thành với chính phủ Ukraine.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Xe của quân đội Nga xuất hiện trên đường phố ở Kherson

Kherson là Ukraine

Theo anh Sơn thì nếu có tổ chức trưng cầu dân ý xem người dân muốn Kherson thuộc về Ukraine hay muốn thành lập vùng ly khai thì 100% người dân sẽ muốn Kherson thuộc về Ukraine.

"Người Ukraine không muốn sống như đất nước Nga mà người ta thích độc lập tự do. Chả ai thích sống như nước Nga cả, như đi ra biểu tình là bị bắt, không ai thích như thế hết."

Kể từ khi Kherson bị Nga chiếm, các cửa hàng đóng cửa, đồ ăn không còn nhiều nhưng người dân Kherson tiếp tục phản đối sự chiếm đóng của quân đội Nga ở vùng này và "tẩy chay" cả đồ ăn của Nga kể cả khi gần đây đã hai lần quân đội Nga "đưa hai xe tải đồ ăn đến nhưng có không ai thèm lấy của Nga. Chỉ có những diễn viên của họ lấy, xong họ quay lên TV kênh thời sự của Nga. Chính ông Lavrov (Ngoại trưởng Nga) cũng nói dân Kherson không nhận đồ ăn của Nga," anh Sơn kể.

Hiện thời so với các thành phố khác của Ukraine như Mariupol hay Kharkiv thì Kherson có lẽ yên ổn hơn nhưng người dân tại đây không thể đi sang các thành phố khác được. Được biết các trường sẽ bắt đầu mở lại từ ngày 14/3 nhưng học qua online. Giờ cũng ít ai đi ra ngoài vì phần lớn các nơi đều đóng cửa, siêu thị lớn nhất ở Kherson cũng bị cháy khi xảy ra giao chiến trong thành phố và sau 8 giờ tối là người dân không được ra đường, anh Sơn cho biết thêm.

Vợ người Nga nhưng có quan điểm theo Ukraine

Khi hỏi chuyện vợ con, anh Sơn cười nói vợ anh là người Nga thế nhưng hai vợ chồng không vì cuộc chiến này mà bất hoà:

"Vợ cháu có quan điểm theo Ukraine hơn - cô ấy đã chạy khỏi đất nước Nga để sống ở Việt Nam và chúng cháu quen nhau ở Việt Nam. Dù là người Nga nhưng vợ cháu đứng về phía người Ukraine vì sống ở Ukraine nên biết rõ sự thật, còn ở Nga xem thời sự Nga thì nó lại khác."

Nguồn hình ảnh, Shon Shon

Chụp lại hình ảnh,

Hàng trăm người dân Ukraine biểu tình ở Kherson phản đối Nga ngày 13 tháng 3

Hiện tại anh Sơn cho biết bố mẹ vợ vẫn đang sống tại vùng Siberia của Nga và vẫn thường xuyên trò chuyện hàng ngày với vợ anh ở Ukraine. Khi được hỏi bố mẹ người Việt và bố mẹ người Nga nghĩ gì về cuộc chiến, anh Sơn cho biết mẹ anh nói bà "buồn và thương người dân Ukraine" nhưng anh xin phép không chia sẻ suy nghĩ của bố mẹ vợ, những người Nga còn đang sống tại Nga, về cuộc chiến này.

MXH nói gì về cuộc biểu tình?

Video về cuộc biểu tình của người dân Kherson đã được đăng tải trên trang Facebook của BBC News Tiếng Việt và thu hút hơn 110.000 lượt xem chỉ sau chưa đầy 12 giờ đăng.

Tương tự nhận xét của anh Sơn rằng "Nga còn đưa diễn viên đến đây để định quay phim như là dân Kherson thích theo Nga", người dùng Phan Duc Thai nêu ý kiến trên Facebook:

"Nó sẽ cắt xén video, đem về Nga tuyên truyền rằng dân Kherson đang chào đón 'quân giải phóng Nga'."

Tài khoản Gina Tran bình luận: "Nếu Ukraine rơi vào tay Putin thì số phận người Ukraine cũng như người Nga bây giờ- hễ ai biểu tình phản đối là bị bắt bỏ tù hết."

"Coi bộ Putin muốn xé tan Ukraine thành trăm mảnh. Mỗi thành phố chiếm được sẽ thành một quốc gia cộng hoà độc lập, rồi sau đó sẽ xin gia nhập liên bang Nga," danh khoản Nam Tran nhận xét.

Một người dùng Facebook khác, Bùi Ngọc Xuân đặt câu hỏi: "Tấn công chia tách đất nước người ta thành vô số mảnh, rồi mở mồm tuyên bố với thế giới là bảo vệ người ukraine khỏi phát xít. Nếu Nga tốt vậy sao người dân toàn chạy về phía tây?"

Bài thể hiện quan điểm riêng của bà Hà Mi, cựu nhà báo BBC ở London.

Xem thêm:

Đăng nhận xét

0 Nhận xét