Vận tải khách liên tỉnh phải tự cứu lấy mình

Xe khách liên tỉnh vào bến tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Nguyễn Khánh
Xe khách liên tỉnh vào bến tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Nguyễn Khánh

Bị bỏ rơi?

Hai năm qua, cơn bão đại dịch Covid-19 đã đẩy các DN kinh doanh XKLT xuống đáy cùng khó khăn. Nhiều giai đoạn XKLT phải dừng hoạt động hoàn toàn. Khi vận hành trở lại, lượng khách sụt giảm nặng nề khiến DN đã khốn càng thêm khó. Các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế phí, kêu gọi ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất… chỉ như muối bỏ biển, cho hiệu quả rất hạn chế.

Nhiều DN cho biết, doanh thu từ hành khách của XKLT gần như bằng không, nguồn sống chủ yếu là… vận chuyển hàng. Người lao động hành nghề buộc phải bỏ đi tìm công việc khác nhằm duy trì cuộc sống. Ngân hàng chỉ cho giãn nợ chứ không xoá nợ hay giảm nợ đáng kể; giá xăng, dầu thì liên tục tăng cao. Cùng với đó, xe khách trá hình ngày càng nở rộ với chất lượng dịch vụ tốt hơn, chi phí đầu vào thấp hơn, đẩy nhiều DN kinh doanh XKLT đến bờ vực phá sản.

Thiếu tiền, việc đầu tư mới phương tiện và duy trì chất lượng dịch vụ của XKLT cũng bị bỏ ngỏ. Hiện tượng bất chấp phạm luật để lê la đón khách, thu quá giá… ngày càng gia tăng khiến thương hiệu XKLT thêm xấu xí, mất sức cạnh tranh trước xe khách trá hình. Tất cả dường như đang đẩy XKLT vào ngõ cụt, không ít DN đã dừng kinh doanh, phần còn lại lay lắt bám trụ nhưng khó mà tránh được kết cục phá sản. Nhiều đơn vị kinh doanh XKLT cho rằng họ đang bị bỏ rơi, bị đẩy đến bờ vực phá sản, đe dọa "cơm áo" của hàng nghìn người lao động và gia đình họ.

Nhìn vào thực tế cho thấy, ý kiến này cũng phần nào có cơ sở. Nhiều năm qua, xe khách trá hình nở rộ tại khắp các địa phương. Những chiếc xe đội lốt hợp đồng mở văn phòng khắp nơi, luồn lách vào mọi ngõ ngách đô thị, lập bến cóc, vận chuyển khách liên tỉnh hàng ngày, nhưng cơ quan chức năng không dẹp nổi.

Xe khách trá hình không chỉ chèn ép XKLT đến ngạt thở mà còn tạo ra hàng loạt hệ luỵ như UTGT, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự… đặc biệt trong lõi các đô thị lớn, nhưng Bộ GTVT và lực lượng chức năng các địa phương dường như không mấy quan tâm hoặc "bất lực". Trong khi XKLT phải chịu thuế phí nặng nề hơn nhiều, bị kiểm soát chặt từ bến ra đường, thì xe khách trá hình lại ung dung hưởng lợi từ sự thờ ơ đó.

Mặt khác, chính sự buông lỏng quản lý XKLT cũng khiến loại hình này suy giảm chất lượng nhanh chóng. Nhiều tuyến XKLT có phương tiện cũ, xấu hơn xe hợp đồng, thường xuyên lê la trên đường, thu quá giá, bán khách giữa đường, hay nhồi nhét… Ngay tại Hà Nội, những con đường nổi tiếng với những "chuyến xe rùa bò" như: Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Kim Đồng, Giải Phóng… vẫn tồn tại hàng chục năm qua không xử lý nổi. Thực tế đó cho thấy, XKLT đã tự làm mình xấu đi, trong khi cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tự cứu mình trước

Trong bối cảnh khó khăn toàn diện như hiện nay, muốn DN kinh doanh XKLT tự tìm biện pháp hiệu quả để cứu mình là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, tự vận động luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất đối với bất cứ DN nào. Việc đầu tiên là nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt hơn với giá cả phải chăng sẽ có thể thu hút được hành khách.

Xe khách trá hình có lợi thế luồn lách vào lõi đô thị đón khách thì XKLT cũng có cơ chế được vận hành xe trung chuyển để đưa đón hành khách tận nơi. Trên lộ trình vận chuyển cần triệt để xóa bỏ hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu, dừng đỗ tùy tiện, lê la, bán khách giữa đường mới chiếm được lòng tin của hành khách. Những ngày cao điểm, không thể vì cái lợi nhỏ mà nhồi nhét, thu quá giá, ứng xử thiếu văn minh lịch sự… Muốn duy trì chất lượng dịch vụ tốt, điều quan trọng nhất là các DN vận tải cần chuyên nghiệp hóa bộ máy của mình. Lái, phụ xe cần được đào tạo bài bản, tôn trọng và gắn bó với nghề nghiệp, đồng thời được quản lý nghiêm ngặt. Trên thực tế, không ít DN kinh doanh XKLT đã làm được điều này, giữ vững thị phần của mình ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Bên cạnh đó, việc thông tin, quảng bá dịch vụ của XKLT cũng cần được đẩy mạnh và hiệu quả hơn. Xây dựng thương hiệu tốt, giới thiệu được đến đông đảo người dân, XKLT sẽ có cơ hội giành lại thị phần từ xe khách trá hình. Hiện nay trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, thông tin về xe khách "chặt chém", nhồi nhét… tràn ngập, trong khi thông tin tích cực lại quá mờ nhạt.

Ước tính mỗi chiếc XKLT có sức chở gấp 3 - 5 lần một xe khách trá hình. Lượng người dân có nhu cầu đi lại, đặc biệt tại các đô thị lớn rất đông đảo, chỉ riêng xe khách trá hình sẽ không thể đáp ứng hết. Điều đó có nghĩa là dư địa để cạnh tranh và phát triển của XKLT còn rất lớn. Nếu đi đúng hướng, có chiến lược phù hợp, từ bỏ những thói quen "chộp giật, ăn xổi", XKLT hoàn toàn có thể đứng vững trước sự cạnh tranh không lành mạnh.

Đời sống xã hội đang dần trở lại bình thường, cơ hội để phục hồi đã ở ngay trước mắt. Trong khi chờ đợi cơ quan quản lý Nhà nước có các biện pháp hỗ trợ, DN kinh doanh XKLT cần tự cứu mình trước bằng cách xây dựng hệ thống dịch vụ chất lượng cao, thu hút người dân trở lại.

 

Các hiệp hội vận tải hành khách trên cả nước cần tham gia sâu sát vào việc quảng bá thương hiệu, giúp các DN định vị được mình trên thị trường, gần gũi và hấp dẫn hơn với hành khách. Ngoài ra, các hiệp hội cũng có thể phát huy vai trò của mình trong việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực XKLT, đem lại hiệu quả thực chất, tích cực cho các DN.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét