Mỹ khó giải cứu cơn khát dầu châu Âu

Các tập đoàn dầu khí Mỹ đang hưởng lợi khi giá xăng dầu tăng mạnh trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Tổng thống Joe Biden, người cam kết giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đầu nhiệm kỳ, giờ đây đang hối thúc các công ty Mỹ tăng cường khoan dầu, trong bối cảnh châu Âu nỗ lực chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga.

Nhưng hầu hết các tập đoàn dầu khí tại Mỹ lại không hào hứng với ý tưởng tận dụng thời cơ này để khoan thêm dầu.

Sản lượng khai thác dầu của Mỹ trong hai tháng qua về cơ bản không đổi, cũng như không có khả năng tăng đáng kể trong ít nhất 1-2 năm tới. Nếu châu Âu quyết định ngừng nhập dầu và khí đốt Nga, họ sẽ không thể trông chờ sự giải cứu đến từ Mỹ, theo Clifford Krauss, bình luận viên kỳ cựu về năng lượng quốc gia của NY Times.

Từ tháng 12/2021, sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng chưa đầy 2%, lên mức 11,8 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức 13,1 triệu thùng/ngày hồi tháng 3/2020, trước khi Covid-19 bùng phát ở nước này. Chính phủ Mỹ dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ chỉ đạt trung bình 12 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng thêm khoảng một triệu thùng/ngày năm 2023.

Trong khi đó, châu Âu đang nhập gần 4 triệu thùng/ngày từ Nga.

"Mỹ sở hữu ngành công nghiệp dầu mỏ đầy tự hào, được cho là biểu tượng của tinh thần đổi mới Mỹ", Jim Krane, chuyên gia năng lượng tại Đại học Rice, Texas, cho biết. "Nhưng họ giờ thận trọng đến bất ngờ trước nhiệm vụ cấp thiết là bơm thêm dầu cho thế giới".

Hai nhân viên kiểm tra giàn khoan dầu gần thành phố Stanton, hạt Martin, bang Texas, tháng 4/2020. Ảnh: New York Times.

Hai nhân viên kiểm tra giàn khoan dầu gần thành phố Stanton, hạt Martin, bang Texas, tháng 4/2020. Ảnh: NY Times.

Krauss nhận định nguyên nhân lớn nhất khiến sản lượng khai thác dầu của Mỹ không tăng xuất phát từ việc các doanh nghiệp và nhà đầu tư không chắc chắn rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao đủ lâu để thu lợi nhuận từ khoan thêm nhiều giếng mới.

Nhiều công ty Mỹ vẫn ám ảnh với cú sốc khi giá dầu đột ngột giảm mạnh cách đây hai năm, buộc họ phải sa thải hàng nghìn nhân viên, đóng cửa giếng khoan và thậm chí yêu cầu bảo hộ phá sản.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, một trong 12 ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã khảo sát các giám đốc điều hành tại 141 công ty dầu mỏ hồi tháng 3 để làm rõ nguyên nhân không khai thác thêm dầu. Họ cho biết đang thiếu nhân lực cũng như cát, nguồn vật liệu quan trọng trong công nghệ khai thác dầu đá phiến.

Để khai thác dầu đá phiến, họ phải trộn nước, cát và hóa chất rồi bơm vào lỗ khoan với áp lực cực mạnh, làm đá nứt gãy thành các lỗ hổng để hút dầu, khí bên trong.

Tuy nhiên, lý do chính mà các giám đốc điều hành này đưa ra là nhà đầu tư không muốn công ty sản xuất nhiều dầu hơn, do lo ngại bơm thêm dầu vào thị trường sẽ khiến giá giảm.

Cuộc khảo sát của FED tại Dallas cũng cho thấy các công ty Mỹ để hòa vốn chỉ cần giữ giá dầu trung bình ở mức 56 USD/thùng, hơn một nửa so với giá hiện tại. Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng giá dầu có thể giảm xuống mức 50 USD/thùng vào thời điểm cuối năm.

"Đại dịch Covid-19 và đợt giảm giá dầu cách đây hai năm vẫn chưa thôi ám ảnh", Ben Shepperd, chủ tịch Hiệp hội Dầu khí khu vực Bồn trũng Permian, cho biết. "Nếu có thể thuyết phục được chúng tôi rằng giá dầu sẽ ở mức 75 USD/thùng trong ba năm tới, khoản đầu tư cho khai thác dầu sẽ cao hơn".

Tâm lý này không chỉ xảy ra ở Mỹ. Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là những thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có khả năng tăng nguồn cung cho châu Âu, song đều từ chối đề nghị tăng mạnh sản lượng dầu bơm ra thị trường kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Bình luận viên Krauss cho rằng thái độ do dự này khác hẳn với cách hành xử thường thấy của ngành dầu mỏ Mỹ khi giá dầu tăng. Các tập đoàn Mỹ hầu như luôn đẩy mạnh khai thác và đầu tư mỗi khi giá dầu tăng trong suốt hai thập kỷ qua. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006, biến nước này thành nhà xuất khẩu dầu, khí đốt và sản phẩm hóa dầu lớn trên thế giới.

Nhưng sau các đợt bùng nổ giá dầu là thời kỳ hạ nhiệt. Cách đây hai năm, khi Covid-19 hoành hành, giá dầu giảm hơn 50 USD/thùng chỉ trong một ngày, rơi xuống mức âm vì các nhà máy không còn chỗ chứa, cũng như không có người mua, khiến nhiều công ty dầu mỏ Mỹ phá sản.

Hình ảnh khai thác dầu tại thành phố Bakersfield, hạt Kern, bang California. Ảnh: New York Times.

Một mỏ khai thác dầu tại thành phố Bakersfield, hạt Kern, bang California. Ảnh: NY Times.

Các lãnh đạo tập đoàn dầu mỏ Mỹ đề cập một số kịch bản giá dầu hiện nay có thể giảm nhanh chóng, như Nga chấm dứt chiến sự tại Ukranie và rút quân, hay nhu cầu năng lượng Trung Quốc suy giảm vì các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19, hoặc một thỏa thuận hạt nhân mới giúp Iran tiếp tục xuất dầu ra thị trường.

Tình trạng lạm phát kỷ lục ở Mỹ cũng ngăn cản các công ty dầu mỏ tăng đầu tư cho sản xuất. Theo công ty nghiên cứu ngành năng lượng Mỹ RBN Energy, chi tiêu cho hoạt động thăm dò và sản xuất dầu sẽ tăng hơn 20% trong năm nay, song khoảng 2/3 trong số đó sẽ dành cho thanh toán chi phí leo thang từ nhân công, nguyên vật liệu, dịch vụ và các khoản khác.

"Đó là một cú sốc khi nhận ra tình trạng lạm phát diễn ra khắp toàn ngành", Jeff Miller, giám đốc điều hành công ty khai thác dầu Halliburton, cho biết.

Các công ty dầu mỏ Mỹ cũng cảm thấy bất an với tình trạng không chắc chắn về chính trị và quy định chính sách. Dù Tổng thống Biden kêu gọi sản xuất thêm dầu, họ lo ngại chính phủ sẽ quay lại với mục tiêu bảo vệ môi trường và tiếp tục đề ra các chính sách siết quản lý nhiên liệu hóa thạch khi giá dầu giảm.

"Trong Ngày Trái đất, Tổng thống Biden nói rằng chúng ta phải dần từ bỏ dầu mỏ, nhưng ông ấy đồng thời lại yêu cầu chúng tôi bơm thêm hai triệu thùng để gửi đến châu Âu", Kirk Edwards, giám đốc điều hành công ty khai thác dầu Latigo Petroleum, nhấn mạnh. "Không thể cùng lúc đạt được cả hai mục đích".

Evan Ellis, nhà nghiên cứu tại Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ, cho rằng khả năng bơm thêm dầu và khí đốt ra thị trường là một vũ khí lợi hại của Mỹ để giúp các đồng minh châu Âu giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng Nga. "Nhưng đồng thời, nó cũng khiến Mỹ không thể chuyển đổi sang năng lượng xanh bằng cách khiến mình và đồng minh lệ thuộc thêm vào dầu mỏ".

Đức Trung (Theo NY Times)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét