Ông Mai Hữu Tín kể chuyện giải cứu các 'con tàu đắm': Những gì người Việt làm được quyết ...

 Doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành. (Ảnh: Trí Thức Trẻ).

Thay đổi nhỏ tạo nên hiệu quả lớn

Mới đây, tại một chương trình do báo VnExpress tổ chức, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) đã có những chia sẻ về chiến lược đổi mới trong cách ông Tín quản trị doanh nghiệp.

Ngoài cương vị Chủ tịch Gỗ Trường Thành, ông Mai Hữu Tín còn giữ vai trò Chủ tịch, Phó chủ tịch và Thành viên HĐQT của hàng loạt doanh nghiệp khác như U&I, Ngân hàng Kiên Long... Ông Tín nổi danh là "trùm giải cứu" từ thương vụ đầu tư và giải cứu con tàu đắm Gỗ Trường Thành, nhưng dường như vị doanh nhân không thích cái tên này.

"Nếu được lựa chọn, tôi thích từ xoay chuyển hơn, chúng ta đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Chưa hẳn từ cứu là từ hay, bởi có những chuyện chẳng lẽ phải chết thì chúng ta mới cứu sao?", ông Tín nói.

Từ góc nhìn của người làm quản trị nhiều năm, ông Tín bày tỏ bản thân không thích cách người trẻ Việt Nam nghĩ về chuyện đổi mới. "Các bạn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các thuật ngữ bên ngoài, ví dụ như "disruptive innovation" (đổi mới mang tính đột phá), tôi không tin điều đó có thể xảy ra ở Việt Nam.

Cách chúng ta tìm và giải quyết vấn đề ở trong nước nên là chuyện làm tốt hơn chuyện của mình mỗi ngày bằng các bước thay đổi nhỏ nhưng đem lại hiệu quả chung cuối cùng, cách làm như vậy trong tiếng Anh được gọi là "incremental innovation" (đổi mới từng bước).

Rất tiếc là các bạn trẻ yêu thích công nghệ của Việt Nam thích những từ mang tính to tát hơn, cho nên họ không quan tâm đến việc phải làm từ những bước nhỏ như vậy hàng ngày", Chủ tịch Gỗ Trường Thành chia sẻ.

Theo ông Tín, đây là cách mà các doanh nghiệp do ông điều hành áp dụng, không riêng gì Gỗ Trường Thành. Tuy nhiên, ở Gỗ Trường Thành, ông Mai Hữu Tín cho biết giai đoạn đầu đổi mới, doanh nghiệp gặp rất nhiều vấn đề và ông cùng đội ngũ đã phải sửa từng cái một, từ con người đến bộ máy sản xuất, công nghệ và cả khách hàng lẫn thị trường,... 

Giá rẻ không tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài

Chủ tịch Mai Hữu Tín chia sẻ Gỗ Trường Thành từng phục vụ những khách hàng ở đẳng cấp rất thấp, giá trị sản phẩm rất thấp trong thị trường. "Nếu chúng ta chỉ làm hàng giá rẻ, sử dụng lao động Việt Nam như là một yếu tố cạnh tranh chính thì đó không phải là con đường lâu dài, nó không tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài. Chúng tôi bắt buộc phải đầu tư vào thiết kế, sản xuất nhằm tạo ra một sản phẩm cao cấp và mang giá trị lớn hơn", ông Tín chia sẻ.

Bên cạnh yếu tố thay đổi giá trị sản phẩm, ông Mai Hữu Tín cho rằng việc đầu tư công nghệ cũng phải tính toán đến sự phù hợp với thị trường trong nước và có thể đem tới khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài. 

Về mặt quản trị, Chủ tịch Gỗ Trường Thành không đề cao cách quản trị truyền thống, trên bảo dưới phải nghe. "Làm sao cho tất cả người lao động của chúng tôi đều có tiếng nói, đều được tham gia vào quá trình thay đổi của doanh nghiệp. Trí tuệ tập thể chung đó được sử dụng hợp lý làm một dạng đổi mới khác tạo ra sự thay đổi của doanh nghiệp. Đó là cách chúng tôi làm ở Trường Thành", ông Tín chia sẻ.

Lấy ví dụ về CTCP Nông nghiệp U&I (Unifarm), ông Tín quan niệm khi bước chân vào ngành nông nghiệp, Unifarm xác định những gì mà người Việt làm được thì sẽ không để cho người ngoài bước chân vào cuộc chơi của người Việt trên thị trường Việt Nam.

Vì thế, dù không phải là doanh nghiệp công nghệ nhưng Unifarm đã nhờ các nhà khoa học hàng đầu thế giới về giống, tạo ra hạt giống của riêng doanh nghiệp nhằm mang tới sản phẩm ngon hơn, giá thành rẻ hơn... Từ đó đánh bật được các sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc ở thị trường trong nước.

Tham vọng đứng top

Bên cạnh Gỗ Trường Thành, ông Mai Hữu Tín cũng đặt dấu ấn cá nhân trong việc giải cứu những doanh nghiệp khó khăn như Giấy Sài Gòn, bồn nước Toàn Mỹ,... nói về các thương vụ này, ông Mai Hữu Tín cho rằng: "Bạn muốn làm chuyện gì đó thú vị trong kinh doanh thì vị trí bạn phải đạt tới là số 1, hoặc là số 2 trong ngành đó, chứ không có số 3".

Theo ông Tín, khi người kinh doanh xác định được cái đích rõ ràng, ví dụ như ở vị trí số 1 hay 2 trong một lĩnh vực cụ thể thì quy mô kinh doanh phải như thế nào. Nhờ xác định được đích, việc tính toán từng bước đi qua từng năm, từng giai đoạn cụ thể để đến được đích sẽ giúp hình thành lịch trình cụ thể.

Sau khi giải cứu con tàu đắm Gỗ Trường Thành, ông Tín xác định đưa đưa doanh nghiệp bước vào một cuộc chơi lớn, đặt mục tiêu đưa vốn hóa của Gỗ Trường Thành lên ít nhất 1 tỷ USD và tham vọng dẫn đầu thị trường gỗ nội thất tại Đông Nam Á.

Hai yếu tố chính mà Chủ tịch Gỗ Trường Thành đề ra trong lộ trình này là vốn của cổ đông và con người điều hành, làm sao để hài hòa được hai yếu tố nêu trên. Lợi ích của cổ đông và của nhóm quản lý phải trên cùng một con đường thì khi đó mới có đủ nguồn lực và đủ "lửa" cho sự thay đổi. Ông Tín cho rằng khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi công ty là chọn con người phù hợp có thể đảm đương quá trình này khi đã qua được những bước đầu tiên, tạo được vài dấu ấn.

Đáng chú ý, trong quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp khó khăn, ông Tín cho rằng cái không thể đổi khi xoay chuyển doanh nghiệp chính là lửa trong lòng người đứng đầu. 

"Bạn để mình bị mất lửa, mất ý chí, mất niềm tin thì những điều bạn muốn làm đều không đi theo ý mình được. Tất cả mọi người trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đều nhìn vào người lãnh đạo để lấy niềm tin mà nếu tự người lãnh đạo đó không tự tạo ra động lực cho chính mình thì lấy lửa đâu mà chia cho mọi người cùng làm... Những người lãnh đạo doanh nghiệp đang khó khăn thì càng phải tạo cho mình động lực lớn để tiếp tục dẫn dắt đội ngũ đi theo mình", ông Mai Hữu Tín chia sẻ.

Thắp lửa thì dễ nhưng duy trì mới khó

Ông Tín cho rằng thắp lửa thì dễ nhưng duy trì nó mới khó. Theo Chủ tịch Gỗ Trường Thành, người cầm trịch cuộc chơi phải là người tạo ra lửa trong lòng người điều hành doanh nghiệp của mình. Ông Tín đề cao việc học hỏi kinh nghiệm vượt qua khó khăn của người khác.

"Bạn phải đi học, chấp nhận học từ khó khăn của người khác, đây là thứ đang tạo động lực cho chúng ta", ông Tín nói. Tuy nhiên, vị doanh nhân cho rằng việc học cũng phải biết lựa sức, không phải học để trở thành tay mơ.

Trải lòng về mất mát trong quá trình đổi mới, doanh nhân Mai Hữu Tín cho biết ông dành rất nhiều thời gian cho công việc, mặc dù đầu tư tới 3 sân golf nhưng chưa bao giờ ông chủ Gỗ Trường Thành xuất hiện trên sân golf. "Những mất mát đó đều rất đáng vì chúng tôi thấy những gì mình muốn làm cho người lao động và cổ đông của mình ra được kết quả cụ thể", ông Tín chia sẻ. 

Là "ông trùm giải cứu", song ông Mai Hữu Tín thừa nhận con đường xoay chuyển doanh nghiệp không hề bằng phẳng. Chủ tịch Gỗ Trường Thành chia sẻ đơn vị này là số ít trong hàng trăm doanh nghiệp mà ông đã đầu tư và không ít trong số đó cũng gặp thất bại.

Vị doanh nhân cho rằng, đổi mới sáng tạo không phải là những công thức, bởi khi có một công thức có thể vận dụng thì mới chỉ thành công tại thời điểm đó. Mỗi lần đổi mới sẽ tạo ra một nền tảng về kiến thức chung, từ đó tiếp tục đổi mới cho những trường hợp khác trong tương lai.

"Những thay đổi diễn ra liên tục là một phần của kế hoạch, kế hoạch là phải có chỗ để thay đổi phù hợp với hiện trạng mới. Muốn làm được chuyện lớn thì làm chuyện nhỏ trước cái đã, và làm thành công đi. Chúng ta cần có nguồn tích lũy được rồi mới đầu tư vào những chuyện rủi ro hơn", ông Tín nói.

Tháng 4/2017, sau khi mua thành công 20% vốn điều lệ của TTF, doanh nhân Mai Hữu Tín chính thức trở thành Tổng Giám đốc của công ty, bắt đầu hành trình vực dậy thương hiệu "Gỗ Trường Thành", đưa nó trở thành công ty nội thất số một Đông Nam Á, dưới thương hiệu mới Total Furniture.

Mất hai năm, ông Tín cũng đội ngũ mới tìm ra con số lỗ khủng đã giấu rất nhiều năm của công ty, giúp giải đáp thắc mắc của cổ đông. Đến tháng 6/2020, TTF chính thức ra thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với công ty. Ông Mai Hữu Tín chính thức nắm quyền công ty và từng bước giải quyết những vấn đề sau khủng hoảng năm 2016 của doanh nghiệp này.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của TTF ghi nhận các chỉ tiêu đều tích cực hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần tăng 72% lên 536 tỷ đồng. Công ty lãi gộp gần 75 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái là 11,5%.

Quý này, TTF ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính gần 24 tỷ, gấp 9 lần quý I năm ngoái chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá.

Ngược lại, chi phí tài chính tăng từ 24 tỷ lên 26 tỷ đồng. Ngoài ra nhờ thanh lý tài sản và bán phế liệu cũng đem về cho TTF hơn 2 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ.

Kết quả, TTF lãi sau thuế hơn 18,5 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ 39 tỷ của cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã được tiết lộ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của TTF ngày 26/4 vừa qua.

Dù vậy, TTF vẫn đang lỗ lũy kế hơn 3.037 tỷ đồng. Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch đạt 2.268 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 41% so với 2021.

Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 72 tỷ đồng, gấp gần 29 lần so với kết quả đã kiểm toán năm ngoái. Như vậy sau 3 tháng đầu năm, TTF đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

Sau khi trả sạch nợ xấu, tính đến cuối tháng 3/2022, TTF chỉ đi vay tổng cộng 43 tỷ đồng, hoàn toàn từ các ngân hàng. TTF cũng đang ghi nhận hơn 1.100 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn trong tổng 2.300 tỷ đồng nợ phải trả. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét