Giây phút 'chạm trán giặc lửa' cứu người mắc kẹt tại quán karaoke An Phú

Nhiều ngày sau khi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng làm 32 người  tử nạn ở quán karaoke An Phú, những người trực tiếp tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nạn nhân vẫn chưa quên được hình ảnh lúc tiếp cận hiện trường.

Cơ sở karaoke An Phú (phường An Phú, TP Thuận An) có nhiều vật liệu dễ cháy như mút, xốp, vật liệu cách âm… nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát, lan rộng, rất khó khăn cho việc chữa và cứu nạn cứu hộ.

Trung tá Bùi Trung Hiếu - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (bìa trái) theo dõi quá trình lên phương án cứu nạn cứu hộ - Ảnh: N.H

Hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc các đơn vị PCCC và cứu nạn cứu hộ của Công an tỉnh Bình Dương lập tức được huy động đến hiện trường ngay khi nhận tin báo cháy. Hàng chục xe chữa cháy, xe thang, xe trạm bơm,… cũng liên tục di chuyển đến khu vực cháy để làm nhiệm vụ.

Là người trực tiếp chỉ huy tại hiện trường, Trung tá Bùi Trung Hiếu - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương kể lại, khi tiếp cận hiện trường ở mặt trực diện thì khói, khí độc, nhiệt lượng tỏa ra rất lớn, gây ảnh hưởng cho cán bộ chiến sĩ đi vào tiếp cận đám cháy cứu người. Tiếp cận từ mặt sau toà nhà để đưa nạn nhân xuống cũng rất khó khăn do không gian hẹp. 

Lúc này, trên tầng tum của quán có 12 người đang bị mắc kẹt, kêu cứu, Ngay lập tức xe thang đã được huy động lên tầng cao để giải cứu, đưa được 12 người xuống đất an toàn.

Trung tá Hiếu cho hay, sau khoảng một giờ đồng hồ nỗ lực chữa cháy, đám cháy đã được khống chế nhưng sức nóng và khói của đám cháy vẫn còn rất lớn.

Đám cháy xảy ra vào ban đêm càng khiến cho việc cứu nạn cứu hộ những nạn nhân mắc kẹt bên trong gặp nhiều khó khăn và thách thức. Không chần chừ, các chiến sĩ PCCC được trang bị các thiết bị bình ô xy, mặt nạ phòng khói, quần áo bằng vật liệu chống cháy đã nhanh chóng tiếp cận khu vực cháy từ nhiều hướng, khẩn trương cứu người bị nạn.

"Khi tiếp cận đám cháy tất cả  phải di chuyển trong bóng tối, cán bộ chiến sĩ phải nỗ lực rất lớn, cán bộ trinh sát phải là những người rất vững về nghề, về tâm lý và phải nhiệt huyết trong công việc" - Trung tá Hiếu chia sẻ.

Lực lượng cứu nạn cứu hộ mang mặt nạ chuẩn bị vào bên trong đám cháy - Ảnh: Chí Hùng

Hơn 20 giờ đồng hồ sau, dù đã thấm mệt, biết nguy hiểm luôn rình rập nhưng anh em không chùn bước, vẫn dũng cảm lao vào trong làn khói mù mịt để tìm kiếm và đưa người bị nạn ra ngoài.

Trung tá Hiếu kể tiếp: "Khi tôi tiếp cận được  phòng bị cháy thì khói và hơi nóng vẫn còn rất mạnh, khi phun nước vào làm mát thì lượng khói không tỏa ra được đã hắt ngược trực tiếp hơi nóng lại người mình, cảm giác khi đó rất mệt và kiệt sức, lúc này anh em phải thay nhau liên tục tìm kiếm".

Mới lần đầu được phân công làm nhiệm vụ PCCC và cứu nạn cứu hộ, Hạ sĩ Đoàn Hải Quân nhớ lại thời điểm cùng đồng đội tìm kiếm và đưa được 10 nạn nhân bị mắc kẹt ra ngoài. 

Hạ sĩ Quân cho hay, lúc lao vào đám cháy phải đối mặt với nguy cơ sập cầu thang, sập nhà là rất cao, do lửa cháy những tầng trên có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Tuy mệt nhưng anh em vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Mọi người thay nhau vào ra liên tục sáng đêm để tìm kiếm nạn nhân, cho đến khi nào cứu được nạn nhân cuối cùng mới nghỉ.

Lực lượng cứu nạn cứu hộ dùng xe thang đưa nạn nhân từ tầng cao xuống đất - Ảnh: T.H

"Cảnh tượng lúc đó rất đau lòng, anh em chứng kiến không cầm được nước mắt nhưng nén lại để làm nhiệm vụ, cố gắng đưa được tất cả nạn nhân ra ngoài" – Hạ sĩ Quân nhớ lại.

Trong ký ức của những người tham chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại vụ cháy này, đây là những hình ảnh "ám ảnh" nhất trong quá trình làm nhiệm vụ. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét