Thế giới bước vào kỷ nguyên mới: Chính phủ giải cứu tất cả mọi người

 (HÌnh minh họa: Satoshi Kambayashi/The Economist). 

Thời thế đổi thay 

Mùa đông ảm đạm năm 1973-1974 có nhiều điểm tương đồng với ngày nay. Xung đột địa chính trị bùng phát khiến giá năng lượng nhảy vọt. Trên khắp châu Á, giá khí đốt tự nhiên tăng gấp đôi, dầu thô gấp ba. Làn sóng lạm phát quét qua khắp các nước giàu.

Khi khủng hoảng lên đến đỉnh điểm, Thủ tướng Tây Đức khi đó là ông Willy Brandt tuyên bố: "Chúng ta sẽ phải mặc ấm hơn một chút trong mùa đông năm nay. Và có lẽ là cả trong vài mùa đông tới. Nhưng chúng ta sẽ không chết đói".

Chính phủ của ông Brandt, cũng như của nhiều nước khác, tập trung vào các nỗ lực cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu – bằng cách đặt giới hạn tốc độ, khuyến khích mọi người không lái xe vào Chủ nhật và yêu cầu nhà máy tắt các lò luyện kim. Thụy Điển và Hà Lan hạn chế sử dụng xăng dầu, Italy áp đặt giờ giới nghiêm với quán bar và nhà hàng. Hiếm có chính phủ nào chịu rút hầu bao.

Các chính phủ ngày nay đã tung ra một số biện pháp nhằm cắt giảm tiêu dùng, nhưng họ chủ yếu mở rộng tài khóa. Anh vạch ra kế hoạch cắt giảm thuế vào ngày 23/9, đồng thời phân bổ nguồn tiền trị giá 6,5% GDP trong năm 2023 dể bảo vệ doanh nghiệp và hộ gia đình khỏi chi phí năng lượng cao.

Đức và Pháp phân phát các khoản trợ cấp tương đương 3% GDP. Mỹ cũng đổ tiền ra nhưng với quy mô nhỏ hơn. Các thống đốc bang ngừng thu thuế nhiên liệu để giúp mọi người đổ đầy bình xăng.

Các chính trị gia từ lâu đã tìm cách cung cấp chương trình cứu trợ hay gói kích thích trong những thời kỳ khó khăn. Nhưng trong 15 năm qua, họ trở nên sẵn lòng hơn nhiều trong việc cáng đáng những khu vực rộng lớn của nền kinh tế. Khi các ngành nghề, doanh nghiệp hay người dân gặp rắc rối, trợ giúp tài khóa luôn ở trong tầm nhìn. Thế giới đã bước vào kỷ nguyên "cứu trợ cho mọi người".

Ba sự kiện lớn

Thời đại mới được định hình bởi ba sự kiện. Thứ nhất là khủng hoảng tài chính 2007-2008. Trong giai đoạn này, Mỹ chi 3,5% GDP cho các chương trình giải cứu, theo nghiên cứu của nhà kinh tế Deborah Lucas thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Lý do là được đưa ra là nếu hệ thống ngân hàng sụp đổ, phần còn lại của nền kinh tế cũng sẽ ngã nhào.

Khi COVID-19 ập đến, chương trình giải cứu chuyển từ ngành tài chính sang nền kinh tế thực. Trong giai đoạn phong tỏa, các chính phủ phân bổ hàng nghìn tỷ USD cứu trợ, đảm bảo cho một lượng lớn nợ doanh nghiệp, cấm trục xuất người thuê nhà. Khác với những khủng hoảng trước, tỷ lệ đói nghèo không tăng. Tại các nước giàu, thu nhập khả dụng đi lên. Hầu hết các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động đã mở cửa trở lại.  

Sự kiện thứ ba là giá năng lượng leo thang sau khi Nga tấn công Ukraine. Giá năng lượng bán cho người tiêu dùng ở châu Âu vọt lên 45% so với năm trước. Các chính trị gia thấy rằng một lần nữa, họ không có cách nào khác ngoài việc phải can thiệp trên quy mô lớn. Goldman Sachs ước tính hóa đơn năng lượng của châu Âu sẽ tăng khoảng 2.000 tỷ euro so với năm 2021, và chính phủ sẽ trợ cấp cho phần lớn chi phí này.

Giá dầu thô lên cao khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022, sau đó đã hạ nhiệt.

Gần đây, nỗ lực cứu trợ đang được đẩy mạnh quyết liệt. Trong tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ông sẽ chi hàng trăm tỷ USD để xóa nợ sinh viên. Cùng lúc đó, ông mở rộng bảo lãnh khoản vay cho năng lượng sạch. Australia và New Zealand cung cấp cho công dân các khoản thanh toán chi phí sinh hoạt để đối phó với lạm phát cao. Ba Lan ra lệnh hoãn trả nợ vay thế chấp.

Những con số bất ngờ

Quy mô thực sự của các chương trình giải cứu khó có thể được tính toán. Một phần là bởi các chính phủ thường không gộp "nghĩa vụ nợ tiềm tàng" – ví dụ như các khoản bảo lãnh nợ vay - vào dữ liệu tài khóa. Điều này cho phép chính phủ hỗ trợ nền kinh tế và ngăn số liệu nợ công được báo cáo tăng quá cao. 

 

Phân tích của tờ The Economist phát hiện rằng chính phủ Mỹ đang bảo lãnh cho các nghĩa vụ nợ trị giá gấp 6 lần GDP quốc gia. Trong những năm gần đây, các nghĩa vụ này tăng nhanh hơn hẳn GDP Mỹ.

Các dữ liệu khác cũng cho thấy mạng lưới cứu trợ của các chính phủ đã được mở rộng. Chi tiêu của chính phủ các nước giàu có cho các khoản trợ cấp, ví dụ như phúc lợi xã hội, đã tăng lên đáng kể. Tại Anh, khoản chi cho những chương trình này chưa bao giờ lên cao đến vậy kể từ khi dữ liệu được bắt đầu thu thập vào năm 1948.

Mỹ có tiếng là "keo kiệt" với các khoản phúc lợi, nhưng sự thật lại trái ngược. Năm 1979, nhóm 20% thu nhập thấp nhất ở Mỹ được nhận các khoản trợ cấp trị giá khoảng 32% thu nhập trước thuế của họ. Đến năm 2018, con số này đã lên đến 68%.

 

Các chính phủ cũng đang phản ứng với các trường hợp khẩn cấp nhanh hơn bao giờ hết. Trong thập niên 1990, các chính phủ châu Âu tiến hành khoảng hai chiến dịch giải cứu mỗi năm. Trong năm 2019, họ thực hiện 10 cuộc giải cứu, tờ The Economist cho biết. 

Không ai thích thấy doanh nghiệp phá sản hay một người rơi vào cảnh túng quẫn. Thực tế là những sự kiện này càng ít xảy ra càng tốt. Một trong những lợi ích khác của các gói giải cứu của chính phủ là người dân và doanh nghiệp không còn cần phải chi nhiều cho bảo hiểm, vì họ biết nhà nước sẽ can thiệp. Ví dụ như ở Mỹ, tổng số tiền chi cho bảo hiểm đạt đỉnh điểm vào đầu những năm 2000, lên đến khoảng 8% GDP. Hiện nay con số này chỉ còn khoảng 6%, thể hiện khoản tiết kiệm to lớn.

Nhưng các khoản chi hào phóng cũng mang đến rắc rối, và không chỉ là chi phí tài khóa tiềm tàng khổng lồ. Nhà kinh tế Friedrich Hayek chỉ ra rằng tuy từng động thái can thiệp đơn lẻ - ví dụ như giải cứu ngân hàng hay phát tiền trực tiếp cho dân trong đại dịch – có lý do xác đáng, nhưng nhiều hành động kết hợp với nhau có thể bóp nghẹt nền kinh tế.

Việc loại bỏ những thứ không còn phù hợp với thời đại sẽ mở đường cho sự đổi mới, tạo ra những thứ hoạt động hiệu quả hơn. Một mạng lưới bảo vệ toàn bộ nền kinh tế khiến cho quá trình đào thải và đổi mới này bị chậm lại.

Cho đến hiện tại, ít có khả năng các chính phủ sẽ đổi ý. Khi cuộc suy thoái tiếp theo kéo đến, các chính trị gia sẽ thực hiện thêm một đợt giải cứu, bảo vệ người lao động, cung cấp trợ cấp bổ sung và phát tiền trực tiếp. Miễn là tiền không chảy vào túi ngân hàng, các gói trợ cấp luôn luôn được công chúng hoan nghênh.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét